Cuộc sống với những bận rộn, hối hả khiến con cái ít có thời gian quan tâm, chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già. Vấn đề chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi đang là nhu cầu rất cấp thiết, các dịch vụ dành cho người cao tuổi vì thế cũng trở nên phổ biến hơn. Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc người cao tuổi, các loại hình dịch vụ chuyên môn như Trung tâm dưỡng lão, Viện dưỡng lão... không còn xa lạ với các cụ. Với môi trường sống đầy đủ, tiện nghi và an toàn, mô hình này sẽ trở thành xu hướng phát triển mạnh trong tương lai.

Ở Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Tâm Phúc (xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội), người cao tuổi được sống trong môi trường trong lành, hiện đại với đội ngũ điều dưỡng, y tá có trình độ chuyên môn cao, được tiếp nhận, chăm sóc và nuôi dưỡng chu đáo về mọi mặt.

Mỗi ngày, những điều dưỡng viên như chị Lê Hồng Ánh có nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra sức khỏe, tâm sinh lý định kỳ cho người cao tuổi trong Trung tâm. Ngoài chăm sóc sức khỏe theo chỉ dẫn của bác sĩ, chị Ánh còn quan tâm tới chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý cho các cụ.

Chị Ánh cho biết, đội ngũ điều dưỡng viên đều được đào tạo qua các trường cao đẳng, trung cấp... Các cụ được chăm sóc cả về vệ sinh, ăn uống, tắm rửa, theo dõi tình trạng sức khỏe và tinh thần...

Khi sống ở nhà, con cái không có điều kiện chăm lo cho ba mẹ mình từ miếng ăn đến giấc ngủ. Nhưng ở Viện dưỡng lão, các cụ có không gian sống an toàn, vui vẻ và kết bạn giao lưu với nhiều người. Ngoài ra, với các dịch vụ chăm sóc đặc biệt, chăm sóc dài hạn, phục hồi trị liệu... cùng chế độ ăn uống dinh dưỡng theo tình trạng bệnh sẽ giúp sức khỏe các cụ tốt lên rất nhiều.

Chị Hồng Ánh cho rằng, không phải ai cũng có thể làm được nghề điều dưỡng chăm sóc người già. Nếu người điều dưỡng không có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực sức khỏe người cao tuổi thì thật khó để đảm trách được công việc này.

“Các cụ toàn già, lẫn, mọi sinh hoạt khó khăn, nhất là bệnh sa sút trí tuệ, alzheimer. Nhiều lúc ở phòng nào các cụ cũng không nhớ được nên nhân viên chúng tôi chăm sóc các cụ toàn diện, cả ngày lẫn đêm” - chị Ánh chia sẻ.

Mỗi người cao tuổi lại có những vấn đề về sức khỏe, tâm sinh lý riêng biệt. Do vậy, vai trò của nhân viên điều dưỡng với mỗi đối tượng cụ thể lại có sự khác nhau.

Anh Ngô Mạnh Linh cho hay, anh làm việc tại Trung tâm từ những ngày đầu thành lập: “Tôi thấy nghề này khá là hợp với mình, vừa giúp đỡ cho người cao tuổi lại phù hợp với chuyên môn điều dưỡng được học”. “Các cụ ở trung tâm mỗi người một hoàn cảnh, một bệnh tật khác nhau. Gắn bó với đây lâu nên có tình thương với các cụ” - anh Linh tâm sự.

Anh Linh thường bắt đầu ngày mới bằng những công việc: chuẩn bị bữa sáng cho người cao tuổi theo thực đơn; tiếp theo là thay bỉm, thay băng, vệ sinh cá nhân răng miệng cho các cụ. Ngoài ra sẽ phải đo huyết áp, kiểm tra đường máu và tiêm thuốc đối với các cụ bị tiểu đường theo đơn bác sĩ chỉ định... Dù đôi lúc có vất vả nhưng anh Linh luôn tâm niệm phải quan tâm, chăm lo cho người cao tuổi như chính người thân của mình thì mới có thể hoàn thành tốt công việc.

Anh Linh trải lòng: “Nghề này phải có sự kiên trì mới làm được. Ví dụ như các cụ có vấn đề về tâm thần, có thể chửi, mắng, xô gạt mình ra. Phải có tình thương thì mới chăm sóc cho các cụ được”.

Với sự phát triển của các Trung tâm dưỡng lão, người cao tuổi đã được hỗ trợ, giúp đỡ giải quyết những vấn đề đang gặp phải, đồng thời nâng cao chất lượng và ổn định cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Tam vào ở Trung tâm được 3 năm nay. Không chỉ được ở trong phòng riêng đầy đủ tiện nghi, bà Tam còn hài lòng khi khu vực sinh hoạt luôn được đảm bảo dọn dẹp sạch sẽ; các bữa ăn cũng đầy đủ chất dinh dưỡng....

“Vào đây đông người nên vui lắm, có nhiều cùng cảnh chuyện trò. Vui nhất là buổi sáng các cháu điều dưỡng xuống bàn giao ca, hỏi han nhau vui vẻ” – bà Tam kể.

Thấu hiểu, nắm bắt tâm lý người cao tuổi, thế nên những điều dưỡng viên ở Trung tâm như những người bạn chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cùng các cụ. “Các cháu nhân viên trẻ tuổi nhưng rất nhiệt tình, nhiều lúc pha trò cho các cụ cười. Các cụ ở đây quý nhân viên lắm, các cháu nghỉ là thấy buồn” – bà Tam vui vẻ khi nhắc đến các nhân viên chăm sóc mình hàng ngày.

Không ít người cao tuổi mắc bệnh đãng trí hay bị liệt, mọi thứ từ ăn uống đến sinh hoạt đều do điều dưỡng viên chăm chút, đảm nhiệm. Chính sự tận tâm, trách nhiệm của các điều dưỡng viên đã giúp sức khỏe của người cao tuổi như ông Lê Đức Trí cải thiện rất nhiều.

“Tôi hơi ốm đau chút là có bác sĩ thăm khám, rất chu đáo, không lo lắng về ăn uống, bệnh tật” – ông Trí rất tâm đắc với môi trường ở trung tâm.

Không chỉ đơn giản là một nghề nghiệp làm cho có, với Hoàng Bích Diệp, sinh viên vừa tốt nghiệp trường Đại học Lao động - Xã hội, đây là một nghề đòi hỏi nhiều yếu tố. Dù mới làm ở Trung tâm chưa lâu, nhưng Diệp luôn cố gắng hoàn thiện các kiến thức chuyên môn cần thiết, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp đi trước. Hơn hết, Diệp cho rằng đây là một nghề y đức, phải kiên trì, hết lòng thì mới gắn bó lâu dài với công việc này.

“Ở đây mọi người làm việc như một gia đình. Đây là động lực để mình ra trường gắn bó với công việc này” - Diệp vui vẻ cho biết.

Nhận thức được trách nhiệm nghề nghiệp, hiện các nhân viên điều dưỡng Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Tâm Phúc đang làm tốt công việc chăm lo, phục vụ mọi nhu cầu của người cao tuổi, giúp các cụ thực hiện các chức năng xã hội và tiếp cận với các chính sách, dịch vụ mà họ được hưởng lợi./.