Nhiều năm nay, hầu như tháng nào ông Phạm Văn Thái ở phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cũng phải đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Trước đây, do ông về mất sức nên không có lương hưu, bảo hiểm y tế. Ở vào cái tuổi gần 80, không có thu nhập gì lại mang trong mình nhiều bệnh như: mỡ máu, huyết áp, xơ vữa động mạch, thoái hóa khớp…nên đối với gia đình ông cũng là gánh nặng. Ông tâm sự: tiền thuốc men, tiền khám bệnh còn tốn hơn cả mua thực phẩm. Nhiều lúc ông cũng đành tặc lưỡi "chuyện sống chết là do ông trời định đoạt".

Đời sống vật chất của người cao tuổi nước ta còn gặp nhiều khó khăn, nhiều cụ phải tự kiếm sống hoặc nhờ vào sự phụng dưỡng và chăm sóc của con cái. Theo quy luật tự nhiên, tuổi càng cao sức khỏe càng suy giảm. Những bệnh thường gặp nhất ở người cao tuổi là các bệnh về xương khớp, cao huyết áp, các bệnh về mắt và suy giảm trí nhớ. Tình trạng bệnh tật đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người cao tuổi. Bên cạnh đó, đa số người cao tuổi nước ta chưa có thói quen khám bệnh định kỳ và còn chủ quan trong điều trị bệnh. Chính vì vậy khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị rất khó khăn. Bên cạnh đó hệ thống y tế - lão khoa ở nước ta chưa thực sự đầy đủ, trang thiết bị còn thiếu thốn, đội ngũ cán bộ y tế chưa đáp ứng nhu cầu để giải quyết các bệnh đặc trưng của người cao tuổi. "Nhu cầu chăm sóc y tế đối với người cao tuổi chưa đáp ứng được vì mạng lưới chăm sóc riêng cho gười già rất hạn chế. Nếu mắc bệnh, người cao tuổi vẫn phải đi chăm sóc sức khỏe theo hệ thống y tế nói chung cũng gây bất tiện khiến các cụ phải chờ đợi, không có dịch vụ y tế riêng. Đi khám ở bệnh viện, cách tốt nhất là chăm sóc tại chỗ, làm sao để người cao tuổi đỡ phải di chuyển nhiều khi đó sẽ tạo ra dịch vụ chăm sóc tốt nhất cho người cao tuổi" - TS Đỗ Thị Khánh Hỷ, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Việt Nam nêu quan điểm.

Theo quy định, người từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, thì được cấp thẻ bảo hiểm y tế từ ngân sách Nhà nước. Thế nhưng, qua thực tế khảo sát của Hội người cao tuổi, có khoảng 1 triệu người cao tuổi chưa đủ 80 tuổi. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ không thuộc diện được hưởng bảo hiểm y tế trong khi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Hòa Bình, nguyên Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam cho rằng, cần phải có sự hỗ trợ từ các cấp các ngành cũng như toàn xã hội để họ có được tấm thẻ bảo hiểm, nhờ đó được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Cùng với đó, xu hướng mô hình gia đình ở nước ta đang dần thay đổi từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân, đặc biệt ở khu vực nông thôn vì con cái đi lập nghiệp ở nơi khác, cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc chăm sóc sức khỏe và tinh thần của người cao tuổi gặp nhiều khó khăn. Mô hình gia đình truyền thống giảm cũng đặt ra thách thức đối với công tác chăm sóc người cao tuổi. Theo thống kê, trung bình mỗi người cao tuổi có 2,6 bệnh. Tuổi càng cao bệnh càng nhiều. Hơn 70% người cao tuổi vẫn phải tiếp tục lao động sản xuất, không chỉ kiếm sống mà còn phụ giúp cho con cháu nhất là ở khu vực nông thôn.

Làm thế nào để già hóa dân số là thành tựu đúng nghĩa, chứ không phải là gánh nặng? Các chuyên gia cho rằng, cần phải có nhiều giải pháp, trong đó việc tuyên truyền cần mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao nhận thức của xã hội, người dân cần chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ. Ngoài ra, việc đầu tư cho y tế cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết các nhu cầu của người cao tuổi./.

Mời nghe bài viết tại đây: