Hôn nhân vượt thời gian

Nhân vật chính trong câu chuyện trên là cụ ông Ma Văn Thọ (112 tuổi) và cụ bà Vũ Thị Tý (102 tuổi), ở huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.

Trong gian nhà cũ kỹ, ông bà nở nụ cười tươi khi thấy con cháu, chắt chút về thăm, tặng bánh mừng thọ. Khoảnh khắc hạnh phúc của ông bà khiến nhiều người hết sức ngưỡng mộ. Nhiều người bày tỏ ước mong vợ chồng cũng luôn có nhau khi về già như hai cụ.

Chị Ma Thị Hải Linh (23 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội), chắt của ông bà, cho biết cụ ông quê gốc ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), còn cụ bà quê ở làng La Giang, nay gọi là La Dương, Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội) nhưng đều đến Phú Thọ ở đợ cho nhà chủ. Hoàn cảnh đưa họ gặp và cùng san sẻ tình cảm với nhau. "Hồi đó, chủ nhà mua ếch về dặn cụ bà thịt để nấu ăn nhưng bà không biết làm. Đúng lúc đó, thấy cụ ông về nên nhờ làm hộ. Cụ ông tếu táo trêu bà rằng nếu thịt hộ, đằng ấy phải trở thành vợ của mình", chị Linh kể lại.

Nhờ lần thịt ếch đó, cụ Thọ đã lấy được vợ. Hai cụ sinh được 9 người con (6 trai, 3 gái). Họ quyết định để một người con trai về lại Dương Nội lấy vợ, sinh sống để giữ quê. Giờ đây, con cái có người đã mất, người đi nước ngoài, người lấy chồng ở gần đó.

Đến năm 90 tuổi, cụ bà mắt kém dần, dù con cháu có đưa đi chữa nhưng hiện vẫn không nhìn rõ. Mắt mờ nhưng cụ vẫn mò mẫm được những đồ đạc xung quanh. Hai cụ vẫn muốn ở riêng, không làm phiền đến con cháu. Tuy nhiên, con cháu vẫn xuống phụ làm việc nhà, nấu ăn cho hai cụ. Đến cuối năm 2023, cặp vợ chồng thượng thọ mới đồng ý xuống ở với người con trai thứ ba. Năm cụ Thọ 80 tuổi vẫn xuống Hà Nội thăm con trai và đón cháu chắt về quê nghỉ hè. Hiện hai cụ có 25 người cháu, 45 người chắt và 3 chút (chưa tính dâu rể).

Sự chịu thương, chịu khó và tình cảm keo sơn của họ khiến mọi người cảm phục, chỉ mong ông bà sống mãi trong vòng tay ấm áp, thương yêu của đại gia đình. "Mỗi dịp tết đến, con, cháu chắt đều sum vầy ở Phú Thọ vào ngày mùng 5. Ngay từ sáng sớm, cụ ông đã đứng ở đê ngóng, đợi mọi người về thăm, chúc tết", người chắt nội nói.

Tấm gương sáng cho con, cháu, chắt

Ông Ma Thanh Chì (73 tuổi), con trai hai cụ, chia sẻ dù không nhớ chính xác bố mẹ lấy nhau năm bao nhiêu nhưng người con lớn nhất năm nay 85 tuổi. Theo lời ông Chì, hồi xưa bố mẹ là những người "nghèo nhất trên đời" nhưng luôn bươn chải để các con có cơm ăn, áo mặc. Cuộc sống giữa thời đói nghèo khiến bố mẹ ông không tránh khỏi những lúc giận nhau nhưng đều làm hòa ngay sau đó. Dù đã vượt xa tuổi xưa nay hiếm nhưng may mắn là hai cụ chưa lần nào phải nhập viện vì bệnh nặng, thỉnh thoảng chỉ bị cảm cúm tuổi già. Ông Chì cho rằng đây là một điều may mắn của gia đình. Đến nay, dù mắt đã mờ, tay đã run nhưng ông bà vẫn nhớ chính xác tên từng người cháu, người chắt.

"Tôi là phận làm con nên cố gắng chăm sóc, báo hiếu bố mẹ. Họ cũng đã có tuổi nên sống được ngày nào là con cháu mừng ngày đó. Bố mẹ cũng là tấm gương sáng cho các thành viên trong đại gia đình noi theo", ông Chì chia sẻ.

Trải qua cuộc hôn nhân từ thời chiến đến thời bình, từ nghèo khó đến có đầy đủ cơm ăn, áo mặc, ông bà đã chứng minh tình yêu thương, sự đồng hành là yếu tố quan trọng xây dựng gia đình hạnh phúc. Họ đã cùng nhau bước qua sóng gió cuộc đời nhưng tình cảm vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu.

Nguồn: thanhnien.vn