Ở tuổi 78, ông Ngô Tôn Đức (sinh năm 1945, Hà Nội) vừa trở thành cử nhân cao tuổi nhất của ĐH Luật Hà Nội sau khi tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi.

Theo học chương trình đào tạo cử nhân Luật hệ vừa làm vừa học, cụ ông 73 tuổi khi đó miệt mài chinh phục tấm bằng đại học thứ ba.

Mới đây, với tổng điểm tích lũy 8,1, ông Ngô Tôn Đức giữ kỷ lục sinh viên tốt nghiệp cử nhân cao tuổi nhất của ĐH Luật Hà Nội.

Coi việc học như nếp sống

Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội cách đây hơn 40 năm, ông làm việc cho một công ty từ năm 2001 đến năm 2017, nhưng khi đã nghỉ hưu ở nhà không biết phải làm gì nên ông quyết định đi học.

Dường như việc học đã luôn "nung nấu" trong ông Đức.

Đi học khi tuổi cao nhưng nam sinh viên này không bao giờ thấy tự ti hay sợ định kiến. Ông chỉ đơn giản là thích đi học, muốn được thể hiện bản lĩnh và cách học của mình. Ông cảm thấy bản thân cũng giống như các sinh viên bình thường khác.

Ngày đầu nhập học, sinh viên U80 gặp những tình huống "dở khóc, dở cười" khi chuyên viên phòng đào tạo tưởng rằng ông đến đăng ký học cho cháu.

Vào lớp, chuyện bạn học nhầm ông là giảng viên hay giáo sư xảy ra thường xuyên xảy ra.

Từ một sinh viên bình thường, sau 5 năm, ông Đức U80 nổi tiếng cả trường, được Hiệu trưởng Đại học Luật khen thưởng vì thành tích học tập tốt.

Ông say sưa nói về sự yêu thích việc học của mình: "Đối với tôi, việc học đã trở thành nếp sống, nó như một thói quen khó bỏ trong cuộc sống của tôi. Khi làm báo cáo tốt nghiệp, biết rằng mình đã là cựu sinh viên, tôi cảm thấy hụt hẫng, tiếc nuối vì không được đi học nữa".

Ông chia sẻ rằng luôn có thói quen ghi chép lại mọi thứ và đọc nội dung bài học trước khi đến lớp. Từ hồi đi học phổ thông, ông Đức đã luôn chuẩn bị bài kỹ càng trước khi đến lớp, thói quen đó theo ông đến tận bây giờ.

Bắt đầu vào học kỳ mới, ông mua hết tất cả giáo trình các môn học và đọc qua một lượt. Đến lúc vào học môn nào thì đọc lại giáo trình, lên lớp nghe giảng viên giảng bài để có thể hiểu sâu kiến thức.

Về nhà, ông luôn phải xem lại kiến thức và làm bài ngay lập tức thì những kiến thức đó sẽ in sâu vào đầu. Theo ông, đó là cách học rất hữu ích, học như vậy thì kiến thức sẽ dần trở thành cái tự nhiên mình có nên sẽ không mất đi.

Đối với ông, thời gian 5 năm không phải quá dài nhưng lại đầy ắp những kỷ niệm cùng với các giảng viên, các sinh viên tại Trường Đại học Luật Hà Nội.

Ông chia sẻ về một kỷ niệm khiến bản thân nhớ mãi: "Có lần, thầy giáo khi bước chân đến lớp có hỏi tôi một câu: "Bác ơi bác nhiều tuổi thế này còn đi học làm gì? Với tôi mà nói, cách hỏi đó quá thật, thật đến mức trần trụi, khiến người nghe là tôi cũng phải sững lại vài giây”.

Sau đó tôi có đứng lên trả lời thế này: "Tôi cũng nhiều tuổi rồi, nhưng càng ngày tôi lại càng cảm thấy tôi dốt cho nên tôi phải đi học. Tôi không học cho riêng tôi, tôi học cho các con, các cháu tôi.

Khi 3 đứa con tôi mất, chúng còn rất trẻ và chưa được cắp sách đến trường. Tôi muốn đi học để học thay cho các con của tôi, đó cũng chính là lương tâm và trách nhiệm của một người cha dành cho những đứa con kém may mắn của mình.

Sau câu chuyện ngày hôm đó, thầy giáo rất yêu quý tôi. Có những văn bản, luận án tiến sĩ, bài viết tham luận thầy đều biếu để tôi đọc.

Việc các giảng viên trân quý tôi như vậy, tôi cảm thấy rất vui".

Các thầy cô cũng đề nghị ông Đức làm lớp trưởng nhưng ông từ chối, để cho các bạn trẻ có cơ hội được trải nghiệm tại vị trí này. Ông cho rằng bản thân đã nhiều tuổi rồi, phải tập trung học tập thật nghiêm túc để không chịu thua các bạn trẻ.

"Cụ sinh viên" còn là người bạn đồng hành cùng cô cháu gái đang học đại học. Có những môn học về lý luận chính trị, ông phác thảo đề cương để hướng dẫn cháu học. Ông cho rằng, việc học "có bè, có bạn" cũng là một cách học hữu ích, có thể bổ sung những thứ còn thiếu sót cho nhau.

"Với tôi việc học chưa bao giờ là đủ"

Cụ ông tha thiết bộc bạch: "Tôi chỉ mong mọi người hãy dành thời gian quý báu trong cuộc đời của mình để làm nhiều việc tốt, nhưng trong đó hãy dành thời gian quý giá nhất để học tập vì không học thì không biết gì cả, "nhân bất học bất tri lý".

Nhưng điều tôi tha thiết mong nhất là mọi người hãy học thật chứ đừng học theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa". Học thật thì kiến thức đó luôn là của mình. Học để mình biết, học để mình làm, phải biết thì mới có thể làm được.

Phải học thật mới có giá trị, không học thì không có giá trị. Điều này ứng nghiệm với con gái tôi, khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Lao động - Xã hội, con đi làm nhưng con nhận ra bản thân không làm được gì cả vì không có kiến thức chuyên môn, cũng chỉ vì hồi đi học không học tập nghiêm túc.

Bắt đầu từ đó, con tôi học liên thông lên Trường Đại học Lao động - Xã hội và học thêm một bằng của Trường Đại học Ngoại thương. Bây giờ con rất chững chạc, kiến thức chuyên môn rất vững vàng".

Cụ ông chia sẻ rằng bản thân không bao giờ chán việc học, có hai thứ ông rất thích là đi bộ và đọc sách. Đó là hai sở thích đã gắn bó với ông từ lâu và trở thành "bạn đồng hành" không thể thiếu của ông.

Với việc học, khi cảm thấy căng thẳng ông lại mở ti vi lên xem bóng đá 30 phút. Khi thấy đầu óc ổn hơn ông lại quay trở lại việc học. Ông luôn nói rằng học cho vui, cho khỏe, cho có ích; nhưng sâu sắc hơn là học để biết, học để làm, học để biết "chung sống" với nhau.

"Nhiều người nói với tôi rằng học như vậy là đủ, nhưng với tôi việc học chưa bao giờ là đủ. Tôi muốn học để có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực này để làm việc. Trong tương lai, tôi dự định một là học cao học để bổ sung kiến thức, hai là học nghề luật sư", cụ sinh viên nói về dự định của mình./.

(Theo dantri.com)