43 năm gìn giữ nghề truyền thống
Len lỏi qua con ngõ nhỏ, trèo qua từng bậc thang ở phố Hàng Than (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), tôi đã tìm đến được địa chỉ làm mặt nạ giấy bồi của vợ chồng bà Đặng Hương Lan (63 tuổi) và ông Nguyễn Văn Hòa (69 tuổi).
Trong căn phòng gác mái diện tích chưa đến 20m2 xếp đầy ắp những chiếc mặt nạ với hình thù khác nhau, bà Lan và ông Hòa đang cặm cụi tô vẽ từng chi tiết. Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề truyền thống, bà Lan cho biết, làm mặt nạ giấy bồi là nghề gia truyền của gia đình. Ngay từ thuở còn thơ ấu, bà đã được ông, cha dạy cho cách bồi keo, dán giấy, cách pha màu, cách tô màu mặt nạ. Sau này lớn lên, niềm đam mê với những món đồ chơi truyền thống cũng lớn dần. Cũng bởi tình yêu ấy mà bà Lan đã quyết định nối nghiệp ông cha.
Bà Lan tâm sự: “Trước kia khi còn là một công nhân viên chức, tôi thường tranh thủ lúc rảnh rỗi để làm mặt nạ. Sau này nghỉ hưu, tôi dành trọn thời gian để tập trung vào công việc này. Mỗi ngày hai vợ chồng túc tắc làm được vài ba chiếc mặt nạ. Nghề này làm chủ yếu vì đam mê và để giữ lấy truyền thống của cha ông để lại, chứ thú thực thu nhập từ nghề này không cao nên không xem là nguồn thu nhập chính của gia đình được".
Vừa cặm cụi tô vẽ từng chi tiết, vừa tranh thủ chia sẻ về công đoạn làm ra một chiếc mặt nạ giấy bồi, ông Hòa cho biết: “Để hoàn thiện 1 chiếc mặt nạ, tôi phải thực hiện 3 công đoạn, gồm: Bồi thô, sơn vẽ và hoàn thiện đóng gói. Nhìn thì tưởng là đơn giản nhưng công việc này lại đòi hỏi lắm công phu”.
Đầu tiên, để làm được một chiếc mặt nạ giấy bồi, người làm nghề phải chọn bột sắn củ, rồi nấu với nước đến khi thành hỗn hợp gọi là hồ ngả vàng, có mùi thơm. Sau đó, xếp giấy vào khuôn đá từ thời xưa. Theo thói quen, người nghệ nhân gấp mép 4-5 lớp giấy nhám, giấy xước để thành hình. Ở bước này, người thợ làm nghề phải bồi keo thật cẩn thận, bởi chỉ cần sơ sẩy một chút là phần bề mặt sẽ không đạt được độ căng, mịn. Khi đã bồi đủ giấy, thay vì dùng máy sấy để làm khô, mặt nạ sẽ được mang đi phơi trực tiếp dưới ánh nắng tự nhiên để tránh bị nhăn và cong vênh.
Bên cạnh bước bồi thô, quá trình sơn vẽ cũng cần phải thật tỉ mỉ và khéo léo bởi đây chính là công đoạn quyết định phần “hồn” của chiếc mặt nạ. Để mỗi chiếc mặt nạ được đều và đẹp, quá trình tô màu cũng phải chia ra từng công đoạn nhỏ. Mỗi lần tô chỉ được tô một màu. Màu này khô thì tô tiếp màu mới. Mặt nạ nhiều màu thì phải tô nhiều lần để đảm bảo màu sắc luôn được sinh động, không bị lấm lem. Để giữ được họa tiết mặt nạ hoàn chỉnh người thợ làm nghề phải vẽ rồi lại phơi hàng chục lần".
Cũng theo ông Hòa, sau khi phơi khô, những chiếc mặt nạ này sẽ được đóng thành từng túi giao cho các thương lái đã đặt hàng từ trước và đem ra chợ Hàng Lược để bán vào dịp Tết Trung thu. Giá các loại mặt nạ dao động từ 30.000 đến 70.000 đồng/chiếc, tùy vào từng loại, kích cỡ và màu sắc.
Tâm huyết với từng sản phẩm
Nhịp sống hiện đại với những món đồ chơi mẫu mã đa dạng, bắt mắt khiến cho các sản phẩm truyền thống không còn được ưa chuộng. Hàng hóa ế ẩm, thu nhập lại không cao là những lý do khiến cho rất nhiều người thợ làm nghề nản lòng, rồi dần bỏ nghề.
Trải qua biết bao bao thăng trầm, biến cố, có những giai đoạn công việc của gia đình ông Hòa bà Lan điêu đứng vì không bán được hàng. Tuy vậy, vì tình yêu và mong muốn nuôi dưỡng mạch nguồn bảo tồn nghề làm đồ chơi truyền thống, gia đình ông bà Hòa - Lan vẫn quyết tâm theo nghề đến cùng dù đã ở tuổi xế chiều.
Trải lòng về nỗi trăn trở với nghề, ông Hòa bộc bạch: “Dẫu biết rằng mặt nạ giấy bồi khó có thể cạnh tranh với những món đồ chơi bằng nhựa hiện đại, mẫu mã đẹp, giá thành rẻ nhập từ Trung Quốc nhưng tôi và vợ chưa bao giờ có ý định bỏ nghề vì nghề đã ngấm vào máu. Chỉ cần còn sức khỏe, tôi và vợ nhất định sẽ theo đuổi nghề đến cùng”.
Để tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm truyền thống, ông Hòa luôn chủ động tìm tòi, cải thiện cách làm để làm ra những chiếc mặt nạ đẹp và bền. Bởi vậy sản phẩm do gia đình ông làm ra luôn được khách hàng yêu thích và đón nhận. Không chỉ vậy, để đáp ứng thị hiếu của khách hàng và tâm lý của trẻ nhỏ, bên cạnh những mẫu mặt nạ như: Chú Tễu, Chí Phèo, Tôn Ngộ Không, con trâu, con thỏ…. gia đình ông Hòa còn chủ động cải tiến, cập nhật các mẫu mã mới như: Hacker, người nhện...
Ông Hòa, bà Lan luôn tâm niệm đã làm nghề là phải đẹp, làm có chất lượng và phải giữ uy tín. Có những thời điểm đơn hàng gia tăng đột biến, cần giao gấp, ông cũng tuyệt đối không làm qua loa, đại khái dù phải liên tục thức đêm để làm cho kịp.
Khi được hỏi về ý định truyền dạy lại nghề truyền thống cho thế hệ mai sau, bà Lan cho biết: "Nghề làm mặt nạ giấy bồi rất kén chọn người làm vì đòi hỏi sự đam mê và nhẫn nại. Nếu không thực sự yêu nghề và mong muốn gắn bó lâu dài với nghề thì cho dù làm được trông cũng xấu, không nắm được hồn cốt của mặt nạ, làm vài năm thì cũng sẽ nản. Vì vậy, gia đình tôi sẽ không nhận dạy nghề cho những người muốn học nghề nhưng chỉ quan tâm đến số lượng. Tôi chỉ nhận dạy cho những người thật sự tâm huyết với nghề, thật sự dành tình yêu cho những món đồ chơi truyền thống. Có như vậy, nghề làm mặt nạ giấy bồi mới có thể gìn giữ lâu dài".
Dẫu biết tương lai còn đầy rẫy những khó khăn nhưng với tình yêu và nhiệt huyết với nghề, chắc chắn rằng những món đồ chơi truyền thống sẽ còn sống mãi với thời gian.
Nguồn: qdnd.vn