Trong căn hộ tầng 7 chung cư SME Hoàng Gia, phường Quang Trung, quận Hà Đông, TP Hà Nội vào buổi chiều các ngày chẵn thường vang lên tiếng đàn oóc gan của bà Nguyễn Thị Ngọc. Dù đã ở tuổi 79 và vừa mới theo học lớp đàn oóc gan khoảng 3 tháng nhưng bà Ngọc đã thuộc và chơi được khá nhiều bài nhạc. Bà Ngọc cho biết, nhờ có âm nhạc mà ở tuổi này đầu óc của bà khá minh mẫn, chân tay không run rẩy. Ngoài tập đàn, bà Ngọc còn tham gia nhiều CLB khác như CLB khiêu vũ, CLB bơi lội. Ngày nào bà cũng đều đặn tập các môn học này.

Ước mơ làm nghệ thuật được bà Ngọc ấp ủ từ khi còn trẻ nhưng số phận đưa đẩy, bà làm giáo viên tiểu học nên việc học đàn bị lãng quên. Thế nên sau khi chia tay với nghề phấn trắng bảng đen, bà Ngọc có cơ hội thực hiện đam mê của mình. Bà trao đổi với chồng và được ông ủng hộ cùng tham gia. Ban đầu hai ông bà rủ nhau học đàn ở phố Chân Cầm, Hà Nội, được một thời gian đi lại xa xôi, ông bà chuyển sang khu Hào Nam, quận Đống Đa và hiện giờ thì ông bà tập đàn ở gần nhà. Điều đó cho thấy, chỉ cần đam mê việc học đàn không khó đối với người cao tuổi. Ngày nào, lịch tập của ông bà cũng dày kín với các hoạt động văn hóa, thể thao. Có lẽ cũng bởi vậy mà chẳng bao giờ ông hay bà cảm thấy cô đơn hay buồn chán như cảnh già của một số bạn bè cùng lứa tuổi “ Tôi năm nay 87 tuổi, sáng đi khiêu vũ ở CLB người cao tuổi quận Hà Đông, chiều tập gym ở trung tâm Olympia theo sức của mình, trưa thì học đàn. Nói chung là sáng 5h30 dậy, tối 22h30 là đi ngủ. Người già thì giờ giấc phải quy lát, sinh hoạt điều độ mới giữ được sức khỏe bền lâu”-Ông Lê Quang Hồng chia sẻ bí quyết trường thọ của mình như thế. Hiện giờ ông Hồng vẫn tham gia công tác khoa học, hướng dẫn các GS, TS làm luận án về ngành mỏ, thậm chí có nhiều cuộc hội thảo từ trong Bắc ngoài Nam ông đều tham gia.

Vợ chồng ông Quang bà Ngọc có 4 người con, 10 người cháu và có cả chắt nhưng thời gian này, dịch Covid 19 quay trở lại nên mặc dù Tết đã đến gần nhưng bà Ngọc đã quán triệt với các con cháu, chắt nếu dịch chưa khống chế được thì Tết nhà nào ở nguyên nhà ấy, ăn Tết sau khi hết dịch. Tuy nhiên vì là Tết phải sắm sửa, thắp hương nên bà Ngọc thường đeo khẩu trang, sát khuẩn khi đi siêu thị và thường đi mua bán khá sớm khi chưa có nhiều khách hàng. Thường tuổi già hay quên nên cần mua gì, bà viết vào giấy rồi mua đúng theo nhu cầu. Chính vì thế mà mặc dù dịch nhưng Tết của gia đình ông bà vẫn đủ đầy, ấm cúng.

Căn hộ rộng hơn 100 m2 của ông bà hôm nay đã có đầy đủ đào, quất, cây hoa hồng trang trí bày biện rất đẹp mắt. Ở tuổi này, ông bà thường tự chăm lo cho nhau, không phiền đến con cháu. Họ đã ở bên nhau hơn 40 mùa xuân nhờ sự yêu thương và chăm sóc lúc tuổi về già. Trong niềm hạnh phúc ấy có sự chung sức đồng lòng của cả hai người.