Thay vì hụt hẫng, lo lắng khi nghỉ hưu, nhiều người cho rằng đây mới chính là khoảng thời gian quý giá của đời người, là lúc để họ thong dong với những vui thú theo cách riêng của mình. Không chỉ chuẩn bị tinh thần và tâm lý bước sang một trang mới, cuộc sống về hưu của họ thật nhiều màu sắc khi làm bạn với vườn tược, cây cối. “Thú vui điền viên” ấy giúp các cụ có tinh thần thoải mái, tăng thêm tuổi thọ và sống vui khỏe, có ích.

Nghe nội dung bài viết tại đây:

Sau khoảng thời gian cống hiến trong công tác, nghỉ hưu, vợ chồng ông Lê Hữu Tùng ở Ba Vì, Hà Nội trở về quê nhà, chuẩn bị cho một khởi đầu mới. Các con cháu ông đều phương trưởng, thành đạt và có cuộc sống riêng. Còn hai ông bà ở với nhau trong căn nhà ở quê do các cụ để lại. Khoảng thời gian thư thái nhất trong ngày với ông Tùng là được chăm sóc mảnh vườn trước nhà với đủ các loại cây, hoa.

Ông Tùng cho biết “Buổi sáng sau khi thể dục, vệ sinh cá nhân thì tôi tưới cây. Buổi chiều tôi đi một vòng kiểm tra, ngắm hết một lượt xem cây phát triển như thế nào, có sâu bọ gì không, cần thì tôi cắt tỉa thêm”.

Với những người cao tuổi như ông Nguyễn Văn Long ở huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, tuổi già chẳng có gì lý tưởng hơn khi trở về với mảnh vườn, được hít thở bầu không khí trong lành, sạch sẽ.

Niềm vui với ông Long cũng thật đơn giản. Sáng ra ông tập thể dục vài động tác đơn giản, rồi tưới cây, nhặt cỏ, bắt sâu cho các loại rau trong vườn nhà. Ông Long kể “Hai ông bà tôi già rồi, giờ vui nhất là sống cùng nhau. Thường ngày chúng tôi nuôi chim, trồng cây hoa, cây ăn quả...làm cho nó vui tuổi già”.

Rau trái trong vườn nhà ông Long lúc nào cũng xum xuê, tươi tốt. Cuối tuần nào, con cháu ông cũng ghé qua nhà chơi và thưởng thức những thành quả do ông bà tự tay nuôi trồng.

“Vui nhất là trồng cây ra hoa đủ màu sắc, thấy cây nào đẹp là tôi gọi bà xã ra ngắm cùng, tuổi già chỉ cần có vậy” - ông Long chia sẻ.

Không chỉ làm vườn, ông Phùng Văn Chỉnh ở Đông Anh, Hà Nội còn có thú vui trồng và chăm sóc sinh vật cảnh. Thú vui này mang lại nhiều ý nghĩa, không chỉ tạo nên môi trường sinh thái xanh, gần gũi với thiên nhiên mà còn làm cho tuổi già của ông Chỉnh thêm thư thái, xóa đi những muộn phiền trong cuộc sống.

Ông Chỉnh cho biết: “Người cao tuổi chúng tôi còn làm nhiều việc có ích ở địa phương như trồng cây trong trường học, công sở, tạo bóng mát, phát động nhân dân địa phương bảo vệ môi trường xanh, sạch đẹp”.

Cuộc sống tuổi già được vun đắp bởi những điều bình dị. Đời sống khỏe khoắn, lành mạnh của người cao tuổi cũng chính là nền tảng để xây dựng gia đình mẫu mực và làm gương cho con cháu. Không chỉ là thú chơi tao nhã, từ các thế cây cảnh, ông Chỉnh thường nảy ra những bài học về cuộc sống, về triết lý nhân sinh để bảo ban, dạy dỗ con cháu trong cuộc sống thường nhật.

“Các dáng cây có ý nghĩa giáo dục rất tốt, tôi dạy con cháu về tình phụ tử, tình mẫu tử, nghĩa phu thê...Con người sống phải có trước có sau, phải kính trên nhường dưới” – ông Chỉnh chia sẻ.

Chẳng có loại thuốc nào trị được bách bệnh khi tuổi già ập đến, chỉ cần mỗi người luôn “biết đủ tức là đủ, biết nhàn tức là nhàn”, biết hài lòng với những niềm vui nho nhỏ. Cuộc sống tuổi già cũng theo thế mà hạnh phúc, an nhiên./.