Sau 1 ngày đạp xe khắp các con ngõ nhỏ quanh khu vực Đống Đa, Hà Nội, thành quả đem về của bà Nguyễn Thị Hưởng là 1 bao tải các loại đồ đồng nát, phế liệu. Chỉ vậy thôi nhưng cũng khiến bà vui cả ngày vì cuộc sống của gia đình phụ thuộc vào những lần bà đi nhặt ve chai. Nếu giá thu mua tăng thì mỗi ngày bà cũng kiếm được từ 50 – 100 nghìn đồng.

Bao nhiêu năm chật vật mưu sinh với nghề nhặt phế liệu, cuộc sống của 2 mẹ con bà Hưởng vẫn luôn trong tình trạng bấp bênh. Chạy ăn từng bữa đã khó khiến bà không dám nghĩ đến chuyện chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Nếu không may phải đi viện thì cũng chẳng biết phải làm như thế nào, đành phó mặc cho số phận. Bà Hưởng trải lòng.

Ở cái tuổi hơn 70, ông Nguyễn Mạnh Hiệp ở Cầu Giấy, Hà Nội phải sống tằn tiện do không có lương hưu cũng chẳng trợ cấp. Sau gần 10 năm làm việc trong quân đội, đến năm 1982 ông Hiệp xuất ngũ làm việc cho 1 công ty ở Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Từng đóng bảo hiểm xã hội nhưng do hoàn cảnh riêng nên ông Hiệp phải rút bảo hiểm 1 lần. Do không có lương hưu nên dù đã ở tuổi “thất thập” ông Hiệp vẫn hàng ngày chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập. Đến giờ này ông mới thấy thấm thía cảnh mưu sinh lúc tuổi già, phải phụ thuộc vào con cái. Ông Hiệp buồn rầu.

Cũng giống như ông Hiệp, bà Lê Thị Nhàn cũng buộc phải rút bảo hiểm xã hội 1 lần sau hơn 13 năm công tác tại 1 xí nghiệp điện. Nhưng may mắn hơn nhờ tham gia công tác xã hội, đoàn thể tại địa phương nên mỗi tháng bà Nhàn cũng nhận được gần 3 triệu đồng tiền trợ cấp của nhiều chức danh kiêm nhiệm. Tuy nhiên, bà Nhàn vẫn phải tự mua thẻ BHYT cùng vô vàn chi phí sinh hoạt và thuốc thang cho những căn bệnh tuổi già, tiền mua thuốc còn nhiều hơn tiền mua lương thực, thực phẩm. Điều này khiến cuộc sống của bà trở nên eo hẹp và bộn bề những nỗi lo. Bà Nhàn chia sẻ.

Theo thống kê tại Việt Nam, trong số hơn 13 triệu người cao tuổi, có hơn 1 nửa là không có lương hưu và trợ cấp, trong đó có gần 40% người từ 60 đến 64 tuổi, gần 30% người từ 70 đến 79 tuổi và 10% người hơn 80 tuổi vẫn phải lao động để kiếm sống. Nguyên nhân chủ yếu là khi còn trẻ họ không tham gia bảo hiểm XH khiến cuộc sống tuổi xế chiều vẫn phải vất vả mưu sinh.

Nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn đang đè nặng lên vai khiến cho việc tận hưởng cuộc sống an nhàn, sum vầy cùng con cháu còn xa vời với nhiều người cao tuổi. Họ vẫn phải gánh trên vai “gánh nặng mưu sinh”. Và những cuộc mưu sinh ở cái tuổi xế chiều thì bao giờ cũng nhọc nhằn, vất vả./.