Nấm nữ hoàng là loại nấm quý và hiện chưa phổ biến trên thị trường. Tại Cà Mau cũng chưa ai trồng thương phẩm loại nấm này. Từ đó, ông Mai Lam Phương đã bỏ công sưu tầm và tìm cách trồng thành công 4 loại nấm lưới có màu sắc khác nhau là nấm lưới trắng, hồng, cam và đỏ, trên chính mảnh đất nuôi tôm của gia đình.
Trong quá trình trồng nấm nữ hoàng, ông Phương chú tâm tìm hiểu đặc điểm sinh học của chúng. Ông được sự giúp đỡ của một công ty chuyên cung cấp phôi nấm từ TP.HCM hỗ trợ định danh và phân loại nấm.
Hiện tại, ông Phương đã có thể tự sản xuất giống. Ban đầu, lão nông này chỉ trồng nấm trong thùng xốp quanh nhà. Tuy nhiên, để mở rộng diện tích ông đã thử nghiệm và trồng thành công ngay trên bờ bao vuông tôm.
Ông Phương tận dụng khoảng trống và bóng mát của những cây thanh long leo trên cây mắm để mở rộng trồng nấm nữ hoàng. Sản phẩm nấm tươi đang được lão nông này làm sản phẩm khô và ông còn nghiên cứu để thực hiện chiết xuất lấy tinh chất của nấm thành công.
Ông Mai Lam Phương chia sẻ: “Tôi thấy loại nấm này nó có 2 chức năng, vừa là thực phẩm bổ dưỡng, vừa có thể chiết xuất để làm dược liệu. Tôi nghĩ rằng bây giờ ít người biết nhưng tới đây đầu ra của nấm sẽ thuận lợi. Từ đó, tôi quyết định làm và tìm tòi nghiên cứu tài liệu để học cách chiết xuất nấm”.
Theo Phòng Nông nghiệp &Phát triển nông thôn huyện Cái Nước, nấm nữ hoàng là loại nấm quý hiếm, mọc rải rác trong tự nhiên ở nơi có độ ẩm cao. Về khoa học, loại nấm này được cho là thực phẩm bổ dưỡng, có giá trị tốt cho sức khỏe.
Ông Trần Hoàng Đạo, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước cho rằng mô hình trồng nấm của ông Phương chưa phát huy giá trị kinh tế nhưng là mô hình tiềm năng và còn có giá trị trong nghiên cứu khoa học.
Với sự tìm tòi, chịu khó học hỏi, ông Mai Lam Phương đã trồng thành công loại nấm nữ hoàng. Trong thời gian tới, lão nông này định hướng tạo ra các sản phẩm dạng nấm khô, bột, rượu và tinh chất để cung ứng ra thị trường./.
(Theo Tienphong.vn)