Thấy nắng gắt, một vị khách quen đã mua cho bà Sáu ly nước dừa lạnh, nhưng bà cố nhịn khát không uống để đem về cho con vì biết "nó cũng thèm".

Nhiều khi ốm đau, kiệt sức quá, tôi muốn nằm xuống luôn, không dậy nữa. Nhưng nhìn đứa con lớn tuổi mà ngu ngơ như trẻ thơ, tôi lại phải gượng dậy, phải sống vì con. Tôi mà có bề gì thì chắc con tôi cũng chết theo.

Một đời lặn lội thân cò

Đó là bà Lê Thị Khéo (sinh năm 1938), thường được gọi bằng bà Sáu. Trong căn nhà nhỏ ở hẻm đường Mã Lò (phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TP.HCM), bà sống cùng con trai Bùi Ngọc Hưng đã 47 tuổi rồi vẫn như trẻ nhỏ vì bị tâm thần không thể chữa trị suốt mấy mươi năm.

Ngồi đếm lại xấp vé số ế ẩm, bà Sáu chùng giọng tâm sự mình là con gái út trong gia đình làm ruộng ở Quảng Ngãi. Vào Sài Gòn mưu sinh từ năm 1956, bà lập gia đình và suốt đời lận đận như thân cò vì chồng con.

Căn nhà nhỏ xíu nằm sâu trong hẻm, chẳng có đồ đạc gì giá trị, xuống cấp dữ dội, lộ ra tường ố đen, bong tróc từng mảng, thiếu ánh sáng và bốc mùi ẩm mốc. Ngay cả chiếc xe đạp để đi lại duy nhất trong nhà cũng đã cũ nát, nhưng bà không dám bỏ vì đó là cần câu cơm kiếm tiền nuôi con.

85 tuổi, bà Sáu không thể ở nhà để hưởng tuổi già. Bà có 4 người con (3 trai một gái, trong đó con trai cả đã mất) nhưng ai cũng nghèo, ở trọ, làm thuê làm mướn qua ngày nên không thể nuôi nổi mẹ già và em út bị bệnh.

Gia cảnh túng thiếu, tuổi tác lại quá cao và triền miên trong bệnh tật, nhưng bà vẫn gắng gượng đứng lên mỗi ngày để nuôi người con út chẳng may không được bình thường như bao người.

Tâm sự chuyện đời, bà nghèn nghẹn kể từ mấy mươi năm trước, khi chồng còn sống, một mình bà đã sớm hôm để "nuôi đủ bốn con với một chồng".

"Tôi buôn gánh bán bưng mấy chục năm nuôi chồng với mấy đứa con. Chồng tôi hồi trẻ làm việc cho một hãng bia, nhưng bị tai nạn mất sức lao động cách đây 40 năm nên không đi làm kiếm tiền phụ tiếp mình được, chỉ ở nhà" - bà tâm sự ông đã mất cách đây hai năm do tuổi cao sức yếu.

150 tờ vé số là chén cơm của hai mẹ con

Giờ mỗi sáng, sau khi cố dậy thật sớm, nấu cơm cho con để dành ăn cả ngày, bà cầm xấp vé số, đạp xe đi bán dọc các khu Tên Lửa, Trần Văn Giàu (quận Bình Tân) cách nhà vài cây số. Bán 150 tờ mới có được 150.000 đồng, bà bảo may mắn được người ta thương nên hầu như ngày nào cũng bán hết.

Những ngày tuổi già trở bệnh, xương khớp đau nhức, bà cũng ráng bán, chỉ khi đi không nổi mới nghỉ một hai hôm. Và đó là những ngày bà nằm nhà mà rất buồn lo, vì xấp vé số mỏng bà bán được ngày nào chỉ đủ xoay xở miếng ăn cho mẹ con ngày ấy, không đi bán có nghĩa là bà hết tiền ngay.

Bình thường mỗi ngày bán xong vé số, bà ghé chợ mua nửa ký cá nhỏ (chừng 50.000 đồng) đem về kho cho con ăn. Bữa nào dành dụm mua được tí thịt, người mẹ già này cũng nhường hết cho con, phần mình chỉ dám chan tí nước kho. Có bữa hàng xóm thấy thương cho đồ ăn. Hoặc như mấy ngày nay bình gas hết chưa có tiền thay, người ta cho bà mượn bếp để nấu ăn.

Chị Hồng (sống kế nhà bà Sáu) cho hay bà con quanh đây rất thương hoàn cảnh mẹ già ốm đau vẫn phải nuôi con tâm thần. "Ở đây hàng xóm thương giúp bà nhiều, đồ dùng đồ ăn này kia cũng có", chị Hồng cho biết đang tìm một người góp tiền với chị để thay bình gas mới cho bà.

Nhìn về đứa con đang cười ngờ nghệch, bà Sáu trải lòng bữa nào không đi bán được thì mẹ con ăn cơm chan nước tương hoặc gói xôi, nhưng riêng gói xôi của người mẹ thì chia làm hai lần ăn bởi phải chừa tiền để mua thuốc thang cho mẹ lẫn con, rồi đóng tiền điện nước. Trong nhà chẳng có gì để bán hay cầm cố, có lần túng khó quá, bà phải đi vay nóng 2 triệu đồng làm vốn lấy vé số bán, góp mỗi ngày 100.000 đồng.

Con cái đông nhưng nghèo quá, thương con, bà chẳng trách khi người đời hỏi vì sao một mẹ có thể nuôi bốn con, nhưng điều ngược lại thì không thể. Anh Hưng, con trai út của bà, cả ngày chỉ cười ngờ nghệch, được cái không đánh chửi mẹ cũng chẳng quậy phá hàng xóm.

"Lâu lâu sáng xin tiền mẹ đi mua cà phê uống, có lần đi bộ từ nhà ra tới vòng xoay Phú Lâm rồi tự về. Đói thì nhăn nhó, đòi tôi đi nấu cơm cho nó ăn, mà biết mình con nhà nghèo nên mẹ cho gì ăn đó, ít đòi hỏi lắm. Mấy người ở xóm cũng thương cho nó vài ngàn mua bánh đem về nhà ăn", bà Sáu trĩu giọng kể.

Đôi lúc hiếm hoi Hưng cũng tỉnh táo được một chút, biết lau nhà giặt đồ trong khi mẹ đi bán. Anh từng điều trị ở bệnh viện tâm thần tại Thủ Đức ba năm, mới về nhà mấy năm nay.

Đi làm, ngày nào người mẹ già này cũng phải dặn dò con như trẻ thơ là ở nhà đói thì xúc chén cơm ăn, "mà con ăn nhín thôi, đừng ăn hết rồi bữa sau không có gì ăn".

Nhìn con ngờ nghệch, bà Sáu nhiều đêm chảy nước mắt không ngủ được. "Bữa tôi đi chợ mua mớ cá kho với cà chua, rau cần, ảnh thèm quá ảnh ăn hết trơn. Trưa tôi về, ảnh nói con thèm quá con ăn hết rồi. Thấy con vậy, mình càng thương đứt ruột, nó có biết gì đâu", bà rưng rưng nhìn con.

Thời gian mẹ không còn nhiều cho con

Cả đời tần tảo nuôi chồng con nhưng sự khổ đau vẫn không buông tha cho bà Sáu khi đứa con gái thứ tư của bà (chị của anh Hưng) đang sống những ngày sau song sắt.

Chị Bùi Thị Mỹ Ngọc (sinh năm 1969) đang thụ án tại trại giam. Cách đây ba năm, chồng chị Ngọc ngoại tình và thường xuyên bạo hành, chửi bới, thuê người đón đường đánh vợ. Ấm ức chuyện bị đánh và ghen tuông chồng có người phụ nữ khác, trong một đêm tại nhà trọ ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân, đợi chồng ngủ, chị Ngọc đã quẫn trí tạt xăng châm lửa đốt. Đứa con gái đầu lao vào cứu cha nên bị cháy theo.

Hai cha con được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. "Đợt đó ban ngày tôi bán vé số, ban đêm vô bệnh viện nuôi cháu. May cháu tôi nằm viện gần hai tháng thì được về nhà", bà Sáu nghèn nghẹn nhớ lại. Còn chồng chị Ngọc qua đời do bỏng nặng. Thương con rể, thương cháu và xót xa cho đứa con gái quẫn trí vì tình, người mẹ đã khổ thân già lại càng thêm khổ tâm.

Ngày ra tòa, chính em chồng chị Ngọc đã đứng ra xin tòa giảm án để chị dâu còn đường quay về với hai con, và chị bị tuyên mức án 18 năm tù về tội giết người. Mỗi tháng đi thăm con gái trong trại giam, bà Sáu và cháu ngoại (đứa con bị đốt bỏng) phải xin tiền hàng xóm để mua chút đồ ăn gửi vào. May là hai cô con gái của chị cũng bắt đầu đi làm.

Còn bà Sáu, bà biết mình không thể chờ được đến ngày con gái trở về. Bà đang lo lắng người con bị tâm thần sẽ sống ra sao khi tuổi mẹ đã vãn chiều lắm rồi. Hôm nay trời lại đổ mưa, nhưng bà vẫn cố bước ra đường với xấp vé số trên tay để lúc về có miếng ăn cho con...

Bà Sáu rưng rưng kể: "Đi bán về trong xe đạp phải có chút đỉnh quà như trái cây, bánh của người ta cho mình. Thấy quà là nó vui lắm, không có thì buồn". Mấy lần, anh Hưng đòi ăn hủ tiếu vì thèm, bà Sáu ngậm ngùi nói "Má bán được ít tiền quá, thôi má nấu cơm con với má ăn, người một chén nghen", vậy là anh chẳng đòi nữa.

(Theo Tuoitre.vn)