Già hóa dân số là một hiện tượng toàn cầu. Có thể nhận thấy, mỗi quốc gia trên thế giới đều đang chứng kiến sự tăng trưởng về cả quy mô và tỷ lệ người cao tuổi trong cơ cấu dân số. Năm 2020, trên thế giới có khoảng 703 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 9,1% tổng dân số. Con số này sẽ tăng hơn gấp đôi đến năm 2050, vượt ngưỡng 1,5 tỉ người, chiếm 15,5% tổng dân số.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới. Hiện nay, số người cao tuổi (trên 65 tuổi) là 7,4 triệu người, chiếm 7,7% tổng dân số. Đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên mức 22,3 triệu người, chiếm 20,4% tổng dân số. Đây là con số được công bố tại hội thảo "Tăng cường Hợp tác giữa các bên nhằm Thúc đẩy Già hóa năng động và Sức khỏe Tâm thần trong khu vực ASEAN" vừa được tổ chức mới đây.

Cần tính đến mô hình đồng bộ hóa vấn đề già hóa dân số với tăng trưởng kinh tế

Việt Nam luôn quan tâm, chăm lo, giúp đỡ và phát huy vai trò của người cao tuổi. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thích ứng với già hóa dân số, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết cho người cao tuổi, cũng như đẩy mạnh việc phát triển các cơ sở chăm sóc sức khỏe nhằm đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi. Cần tăng cường sự phối hợp liên ngành và tham gia của tất cả các bên liên quan nhằm xây dựng một xã hội già hóa năng động và khỏe mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, già hóa dân số là một chủ đề không thể bỏ qua trong Chương trình nghị sự Phát triển bền vững năm 2030. Già hóa dân số xảy ra không phải vì tỷ lệ tử vong giảm, hay vì con người sống lâu hơn mà phần lớn là do mức sinh giảm. Tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, phải chuẩn bị cho già hóa dân số, khi các cặp vợ chồng bắt đầu có một gia đình nhỏ hơn. Việt Nam cần phải tính đến một mô hình mới có thể đồng bộ hóa vấn đề già hóa dân số với tăng trưởng kinh tế và xã hội, đồng thời đảm bảo hòa nhập xã hội cho người cao tuổi.

Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng và nêu bật tính dễ bị tổn thương cũng như những nhu cầu cụ thể của người cao tuổi. Rõ ràng, tỷ lệ tử vong ở người cao tuổi là cao hơn, và tỷ lệ này ở người trên 80 tuổi cao gấp 5 lần mức trung bình toàn cầu. Người cao tuổi phải được coi là một ưu tiên trong nỗ lực nhằm vượt qua đại dịch COVID-19 của cộng đồng ASEAN, nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong các hoạt động ứng phó nhân đạo cũng như trong nỗ lực phát triển.