Tuổi thọ bình quân của Việt Nam những năm gần đây tăng lên, nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi. Theo nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, những bệnh nhân trên 80 tuổi có đến 6 bệnh phối hợp như đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, parkinson, sa sút trí tuệ, đột quỵ... Việc phải có người chăm sóc liên tục, cũng tạo ra nhiều áp lực đối với con cháu và hệ thống chăm sóc sức khỏe người già. Chính vì thế, nhiều người cao tuổi lựa chọn sống ở viện dưỡng lão hay các trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi để không trở thành gánh nặng cho con cháu.

Theo ông Nguyễn Văn Nam, Cầu Giấy, Hà Nội, ở viện dưỡng lão, người cao tuổi được kiểm tra và chăm sóc sức khỏe định kỳ và được giao lưu với nhau. Bản thân ông thấy rất thích những mô hình viện dưỡng lão nhưng ở Việt Nam thì xã hội chưa thực sự quan tâm đến hình thức này. Nguyên nhân theo lý giải của ông Nam chính là do tâm lý người Việt Nam, con cái ngại đưa bố mẹ vào những trung tâm dưỡng để nghỉ ngơi vì sợ tiếng rằng không chăm sóc bố mẹ phải để bố mẹ vào viện dưỡng lão. Đối với ông Nam, đến đây để chăm sóc sức khỏe cho bản thân mình, nếu sức khỏe của cha mẹ tốt thì sẽ giúp con cái yên tâm, hạnh phúc và tập trung cho sự nghiệp của mình, từ đó cống hiến nhiều hơn cho xã hội và giúp bản thân con cái thăng tiến.

Những người cao tuổi lựa chọn sống ở viện dưỡng lão ngày càng nhiều vì không muốn phụ thuộc con cháu. Người cao tuổi cần được quan tâm và chăm sóc sức khỏe vì đó nhu cầu tất yếu. Không những thế, việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi được đội ngũ điều dưỡng viên chuyên nghiệp nên người cao tuổi luôn cảm thấy an tâm như phân tích của bà Phạm Thị Hải Chuyền, nguyên Chủ tịch Trung ương Hội Người Cao tuổi Việt Nam. Theo bà Chuyền, thời điểm hiện nay khi nước ta bước vào giai đoạn già hóa dân số nhanh và số người già có bệnh mãn tính chiếm tỷ lệ cao nên nhu cầu điều dưỡng cho người già rất lớn. Chính vì vậy, nước ta cần đào tạo một đội ngũ điều dưỡng viên, một đội ngũ làm công tác xã hội chuyên nghiệp để họ làm việc ở các trung tâm này nhằm chăm sóc sức khỏe về thể chất và tinh thần đối với người cao tuổi. Đối với cán bộ làm công tác xã hội những năm gần đây ngành lao động đã mở ra nhiều lớp đào tạo đội ngũ làm công tác xã hội và có những quy định đối với đội ngũ làm công tác này nhưng những quy định cụ thể ấy chưa thực sự hấp dẫn để cho những người học về chuyên ngành công tác xã hội yên tâm làm ở các trung tâm chăm sóc người già để họ phát huy được việc chăm sóc nhóm yếu thế trong xã hội.

Trong bối cảnh nước ta gần đạt được 100 triệu dân và cùng với tốc độ già hóa dân số nhanh thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho những người ốm đau hay người già ngày càng cao. Chính vì thế, các điều dưỡng viên ở các trung tâm chăm sóc người cao tuổi đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi. Điều dưỡng viên chính là người chăm sóc trực tiếp cả thể chất lẫn tinh thần cho những người cao tuổi nên sẽ tác động trực tiếp tới người cao tuổi. Đây là công việc rất áp lực và cần có tay nghề cao như đánh giá của ông Doãn Mậu Diệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Do đó, công việc này cần được sự cảm thông, thấu hiểu với tâm lý, tình cảm và chia sẻ của người cao tuổi. Người lao động cần cả kỹ năng cốt lõi và kỹ năng mềm trong tiếp xúc với người cao tuổi. Công việc này cần được sự đánh giá đúng mức của cộng đồng, xã hội. Đây là dịch vụ không thể thiếu giúp gắn kết tình cảm gia đình của người cao tuổi vì khi người già mắc bệnh, con cháu phải chăm sóc trong một thời gian dài dễ mệt mỏi, nảy sinh tâm lý bực bội khó chịu. Nếu được chăm sóc bởi các điều dưỡng viên chuyên nghiệp thì những nỗi khó chịu sẽ không còn và như thế sẽ đảm bảo để không bị sứt mẻ tình cảm gia đình.

Các điều dưỡng viên được đào tạo và trang bị kiến thức nền tảng cũng như chuyên sâu về khoa học xã hội, sức khỏe và điều dưỡng. Không những thế, các điều dưỡng viên cần trau dồi khả năng phân tích cũng như kỹ thuật điều dưỡng chuyên khoa để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi. Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Bách niên Thiên Đức cho biết, chăm sóc người cao tuổi sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Tốc độ già hóa sẽ rất nhanh cộng với đó là thu nhập của người cao tuổi còn rất thấp và người cao tuổi lại là những người bị bệnh mãn tính nên chi phí rất cao. Hơn nữa, các cơ sở y tế chưa kịp thời chăm sóc và đáp ứng với các yêu cầu chăm sóc của người cao tuổi.

Người cao tuổi ở nước ta ngày càng được quan tâm và chăm sóc tốt hơn. Hàng năm có 3 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, gần 4 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ, 1,1 triệu người cao tuổi được chúc thọ mỗi năm. Người cao tuổi ngày càng được chăm sóc tốt hơn nhờ đội ngũ nhân lực làm công tác xã hội trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, các viện dưỡng lão. Họ cũng có cơ hội được trau dồi kiến thức và giao lực làm việc ở nước ngoài như chia sẻ của bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Tổng giám đốc công ty cổ phần Nhân Ái. Bà Thanh tin rằng với một tỷ lệ già hóa dân số như thế này và nhu cầu đang ngày càng nhiều thì việc phát triển hệ thống các viện dưỡng lão trong tương lai sẽ ngày càng thuận lợi vì sẽ có rất nhiều các thành phần kinh tế tham gia vào việc phát triển mở rộng lĩnh vực này cho nên cơ hội việc làm sẽ rất nhiều. Chính vì thế càng đòi hỏi người tham gia vào công việc chăm sóc người cao tuổi cần có sự chuyên nghiệp và sự hiểu biết đúng đắn trong nghề nghiệp và có một định hướng bền vững để phát triển nghề nghiệp hiệu quả. Không những cơ hội việc làm này ở trong nước đâu mà sẽ có cả cơ hội ở nước ngoài nữa. Ngoài việc có cơ hội việc làm ở trong nước, những người làm công tác xã hội như nghề điều dưỡng còn có thể tham gia vào thị trường ngoài nước ví dụ như Nhật Bản, Đức và các nước ở Bắc Mỹ vì họ rất cần các nguồn nhân lực điều dưỡng này trong vấn đề về chăm sóc người cao tuổi.

Dự báo năm 2049, số người cao tuổi có nhu cầu hỗ trợ tăng 2,5 lần so với mức 4 triệu hiện nay nên cơ hội việc làm đối với những người làm công tác xã hội ngày càng lớn. Để thích ứng với vấn đề già hóa dân số, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách, chủ trương kịp thời, để việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đáp ứng yêu cầu thực tiễn./.