Đến làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, không phải mất nhiều thời gian để tìm đến nhà của nghệ nhân A Wich. Căn nhà sàn gỗ độc đáo của ông nằm giữa con dốc đầu làng. Phía trước là khoảng hiên rộng rãi và đây cũng là nơi để hàng ngày ông ngồi đan và phơi mây, tre. Nhiều sản phẩm như gùi, nia đang làm dang dở được ông xếp một bên, ngăn nắp gọn gàng.
Thấy có khách tới thăm, nghệ nhân A Wich nở nụ cười thân thiện và không ngần ngại trả lời các câu hỏi của chúng tôi về công việc ông đang làm. Cầm trên tay chiếc gùi nhỏ đang làm dở, nghệ nhân A Wich chia sẻ: “Khi đan mây tre, tôi luôn làm với sự say mê và cẩn trọng. Dù làm việc gì tôi cũng rất tỉ mỉ từ dễ đến khó, đó cũng là bài học đầu tiên tôi được các già làng chỉ dạy khi mới bắt đầu học nghề”.
Nghệ nhân A Wich bắt đầu học đan lát khá muộn so với bạn bè cùng trang lứa. Mãi đến 16 tuổi ông mới được cha mình chỉ những kiến thức đầu tiên về đan mây tre. Đến năm 20 tuổi, ông mới làm được sản phẩm hoàn chỉnh đầu tiên. Từ đó, với đam mê của mình, ông luôn trau dồi học hỏi không ngừng, sản phẩm làm ra càng ngày càng sắc sảo và được mọi người ưa chuộng. Đến giờ tuy đã mắt mờ chân chậm, già A Wich vẫn luôn yêu nghề như ngày đầu và thầm cảm ơn cha mình đã truyền đam mê cho ông.
“Từ khi còn bé, theo chân cha đi khắp các lễ hội lớn nhỏ, các buổi sinh hoạt cộng đồng tại thôn làng, tôi đều bị cuốn hút bởi các nghệ nhân trong làng. Nhìn các nghệ nhân dệt thổ cẩm, đan mây tre, chơi nhạc cụ, tôi luôn ao ước đến một ngày mình có được những khả năng đó. Cũng từ đó, tôi luôn tranh thủ cơ hội tìm đến các nghệ nhân giỏi trong làng để học hỏi” - nghệ nhân A Wich chia sẻ.
Nghệ nhân A Wich tâm sự, ông vẫn còn xúc động và nhớ mãi khoảnh khắc làm hoàn chỉnh chiếc gùi nan tre đầu tiên. Lúc ấy, người già trong làng ai cũng khen ông có năng khiếu mới đan được đẹp như vậy. Nhưng bản thân A Wich biết rằng, ông đã phải cố gắng rất nhiều, học hỏi từ nhiều người và kiên trì mới được. Ông luôn tự nhủ rằng phải cố gắng nhiều hơn nữa chứ không bao giờ được tự mãn với chính bản thân mình.
Ngoài dệt, nghệ nhân A Wich còn là thành viên lớn tuổi nhất trong đội chiêng của làng. Bắt đầu chơi chiêng cũng khá muộn, nhưng khi quyết tâm tập luyện, ông đã dành hết đam mê và sự kiên trì của mình, học hỏi các thế hệ trước từng kỹ thuật, bài chiêng cơ bản nhất. Với cách tập luyện chậm rãi, chắc từng bước, giờ đây ông cũng là một trong số ít người tại làng có kỹ thuật chiêng chuẩn nhất.
Tỉ mỉ lau chùi chiếc chiêng lâu ngày đã bám bụi, già A Wich lấy tay gõ nhẹ lên khắp mặt chiêng và ghé sát tai để cảm nhận âm thanh của chúng. Theo ông, việc chỉnh chiêng không được vội vàng mà phải từ từ cảm nhận từng âm thanh, nếu có cả đội chiêng cùng phối hợp để chỉnh chiêng thì sẽ dễ hơn nhiều. Khi ấy cả đội sẽ diễn tấu những đoạn nhạc ngắn, chiếc chiêng nào bị lệch âm so với cả đội sẽ nhận thấy rất rõ và người chỉnh chiêng sẽ dễ dàng điều chỉnh lại âm thanh. Có những chiếc chiêng được chỉnh âm rất nhanh, nhưng cũng có chiếc phải mất cả ngày mới chỉnh xong.
“Hiện nay, cả làng còn rất nhiều chiêng quý và được chia ra cho các nghệ nhân, già làng nắm giữ để bảo quản cho cẩn thận. Mỗi khi có dịp lễ hội, chúng tôi dù bận rộn đến đâu đều sắp xếp công việc để quây quần bên nhau cùng chỉnh lại những chiếc chiêng bị lạc nhịp. Mỗi lần như thế, tôi cảm thấy vui” – nghệ nhân A Wich cho biết.
Được sự dẫn dắt của nghệ nhân ưu tú A Huynh, đội cồng chiêng làng Chốt được đánh giá rất cao bởi chuyên môn, nghệ thuật diễn tấu hay và có hồn, thường xuyên được xã, huyện mời đi biểu diễn trong những dịp lễ hội lớn, nhỏ. Sự thành công ấy có sự góp sức không nhỏ của nghệ nhân A Wich, người luôn tâm huyết và có uy tín trong đội.
Nói về nghệ nhân A Wich, nghệ nhân A Huynh cho biết: “Nghệ nhân A Wich dù đã cao tuổi nhưng không bao giờ bỏ buổi tập nào của cả đội. Ông rất tận tâm trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ, mỗi khi có lớp là ông lại hô hào mọi người cùng tích cực dạy dỗ các em. Nhờ vậy, phong trào chiêng của làng luôn được duy trì sôi nổi, giúp các em nhỏ trong làng quan tâm hơn đến văn hóa truyền thống của dân tộc mình”
Phòng khách nhà nghệ nhân A Wich treo kín bằng khen, giấy khen mà ông và gia đình được nhận. Gia đình ông là gia đình văn hóa tiêu biểu tại thôn với nhiều thành tích trong các hoạt động văn hóa, xây dựng đời sống đoàn kết; là hộ gia đình văn hóa xuất sắc cấp huyện. Bản thân nghệ nhân A Wich còn là Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi của thôn. Với vai trò ấy, ngoài các hoạt động của chi hội, ông luôn tuyên truyền, vận động hội viên cũng là nghệ nhân về việc giữ gìn và truyền dạy lại nghề truyền thống cho lớp trẻ, giúp trẻ em trong làng biết đánh chiêng, múa xoang, đan gùi, dệt vải.
Nghệ nhân A Wich tâm sự: “Nắm giữ và am hiểu nhiều kiến thức về văn hóa của dân tộc mình, lại được bà con tín nhiệm, tôi tự nhủ phải thật trách nhiệm với từng lời nói, việc làm của mình. Tôi luôn trăn trở trước sự mai một của nghề truyền thống, nhất là nghề dệt. Chỉ mong rằng lớp trẻ trong làng sau khi nghe người già giảng giải sẽ hiểu được và cố gắng tiếp nối cha ông, gắn bó, tâm huyết giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc mình”.
Chia tay nghệ nhân A Wich, chúng tôi thầm mong những tâm huyết, sự tận tâm, trách nhiệm lưu giữ nghề truyền thống và nét văn hóa truyền thống của ông sẽ giúp lớp trẻ hiểu, tích cực học tập, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Gia Rai.
Nguồn: baokontum.com.vn