Sau những thăng trầm trong cuộc sống, đôi mắt của người cao tuổi cũng dần in đậm dấu vết của thời gian. Tuổi tác kéo theo sự lão hóa của toàn cơ thể và mắt cũng không ngoại lệ. Vì vậy, việc chăm sóc mắt thường xuyên sẽ có ý nghĩa quan trọng, giúp người cao tuổi duy trì thị lực và làm chậm quá trình lão hóa mắt.

Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn và một đôi mắt sáng khỏe là điều mà ai cũng mong muốn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tuổi tác khiến mắt của người cao tuổi có thể bị nhức mỏi, thị lực suy giảm... Tầm nhìn hạn chế gây ra nhiều khó khăn cho người già trong sinh hoạt cũng như đi lại. Thế nên những người cao tuổi như ông Hoàng Khắc Hải ở Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội luôn ý thức chăm sóc tốt cho đôi mắt sáng, khỏe, giúp duy trì thị lực, nâng cao chất lượng sống.

“Với lứa tuổi chúng tôi nhiều bệnh. Các cụ hay nói “Thứ nhất đau mắt, thứ nhì nhức răng”. Mắt sáng tinh tường thì tiếp thu nhiều vấn đề về khoa học kỹ thuật, giao tiếp xã hội. Mắt kém thì hạn chế nhiều, cả về sinh hoạt, ăn uống...” - ông Hải chia sẻ.

Có rất nhiều bệnh lý về mắt mà người cao tuổi có thể gặp phải, điều quan trọng là phải đi khám để được điều trị sớm và chăm sóc mắt đúng cách hàng ngày. Khi kiểm tra mắt có thể nhận biết được các bệnh về mắt như bệnh tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể…Đây cũng là cách bà Lê Thị Lan ở Cầu Giấy, Hà Nội chăm sóc và bảo vệ mắt từ sớm. “Vừa qua tôi thấy đau mắt, khó chịu, thỉnh thoảng chảy nước mắt. Bác sĩ khám thì chưa trầm trọng lắm. Về điều trị rửa nước muối, tra thuốc theo chỉ định thì mắt sẽ trở lại bình thường”-Bà Lan kể.

Chẳng ai muốn đôi mắt của mình bị mờ đi, phải đeo kính, thậm chí là mù lòa. Mới đây, bà Nguyễn Hồng Bích ở Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội đi khám và kịp thời phát hiện ra bệnh viêm giác mạc. Sau khi được bác sĩ thăm khám và cho phác đồ điều trị phù hợp bà Bích mới thở phào nhẹ nhõm. “Con tôi đưa đi khám ở Bệnh viện Mắt Trung Ương thì bị viêm giác mạc nhưng vẫn phải chú ý. Cứ 3 tháng khám mắt một lần để theo dõi mắt có vấn đề gì thì chữa trị kịp thời” - Bà Bích chia sẻ.

Bệnh đục thể thủy tinh rất hay gặp ở người cao tuổi. Bệnh lý này xảy ra do quá trình lão hóa của cơ thể, thể thủy tinh theo thời gian vốn trong suốt dần trở nên mờ đục. Bệnh không gây nguy hiểm nhưng khiến cuộc sống của người già như ông Dương Văn Sơn và bà Đào Ngọc Duyên ở phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội trở nên khó khăn. Thế nên sắp tới, ông Sơn và bà Duyên đều quyết tâm sẽ phẫu thuật để có đôi mắt sáng, khỏe.

Để phòng tránh các bệnh về mắt, Tiến sĩ, Bác sĩ Đặng Trần Đạt, Trưởng khoa Khám bệnh và Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Mắt Trung ương khẳng định, người cao tuổi cần áp dụng lối sống lành mạnh với chế độ dinh dưỡng hợp lý. Tập thể dục là cần thiết để duy trì sức khỏe thể chất nói chung và kích thích sự lưu thông máu, tốt cho mắt.

“Người cao tuổi có thể nhìn những đồ vật trong nhà như đồng hồ treo tường, bệnh nhân xem chữ số, kim đồng hồ có lệch không hoặc xem chữ trên bảng, biển quảng cáo xem có bị biến đổi hay không. Nếu thấy dấu hiệu bất thường, các cụ nên trao đổi với bác sĩ nhãn khoa để tìm ra liệu trình điều trị phù hợp” - Tiến sĩ, Bác sĩ Đặng Trần Đạt đưa ra lời khuyên.

Cũng theo Tiến sĩ, Bác sĩ Đặng Trần Đạt, nếu như trước đây, người ta vẫn cho rằng bệnh mắt ở người cao tuổi là điều hiển nhiên không thể tránh khỏi thì giờ đây, tiến bộ y học cho thấy việc phòng ngừa và kiểm soát tốt bệnh mắt ở người già là hoàn toàn có thể.

Quan trọng hơn, người già phải luôn chủ động và ý thức tự chăm sóc sức khỏe của bản thân. Kiểm tra sức khỏe định kỳ chính là giải pháp tốt giúp các cụ có thể tầm soát và đánh giá những bất thường của cơ thể, trong đó có sức khỏe của mắt, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời.

Đôi mắt chính là “cửa sổ tâm hồn”, đôi mắt có sáng khỏe thì con người mới được thư thái. Chỉ bằng cách hiểu rõ về chúng, có lối sống lành mạnh và thực hiện khám mắt định kỳ, người cao tuổi mới có thể gìn giữ được đôi mắt sáng, khỏe qua năm tháng./.