Ông Hơ Văn Tông A, người dân tộc Mông, ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, Thanh Hóa, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Pù Nhi. Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, ông tâm sự: “Các nhà ngôn ngữ học lo ngại nếu không được bảo tồn kịp thời, nhiều ngôn ngữ sẽ đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Khi ngôn ngữ “chết” đi, dân tộc đó như mất đi bản sắc...”.

Năm 1980, sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, thầy giáo Tông A trở về quê hương theo nghiệp “gieo chữ”, “trồng người” nơi vùng cao xứ Thanh. Tâm huyết với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, ngoài công tác giảng dạy, thầy giáo Tông A còn nghiên cứu về chữ viết và văn hóa Mông. Gắn bó với ngành giáo dục gần 40 năm cũng là ngần ấy thời gian ông tìm tòi, nghiên cứu văn hóa dân tộc, trở thành một trong những người có vốn kiến thức sâu rộng về văn hóa dân tộc Mông.

Ông Tông A nhớ lại: “Hơn 10 năm trước, xảy ra tình trạng một bộ phận người Mông ở Tây Nguyên bị kẻ xấu lợi dụng để gây rối. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tôi được tỉnh mời tham gia lớp bồi dưỡng tiếng Mông do Bộ Công an tổ chức, rồi được cử vào Đắc Lắc, Đắc Nông làm dân vận. Tại đó, qua tìm hiểu thực tế, tôi nhận thấy, một trong những nguyên nhân khiến công tác dân vận chưa hiệu quả là vì cán bộ giao tiếp với đồng bào chưa phù hợp với văn hóa Mông. Gặp dân, giới thiệu mình là cán bộ rồi nói bà con phải chấp hành quy định này, nội dung kia... Như thế đồng bào không nghe đâu! Cần phải trò chuyện cùng bà con bằng tiếng Mông với những câu từ bình dị, gần gũi với đời sống như hỏi thăm về gia đình, việc làm ăn có thuận lợi, trồng trọt có được mùa không... để tạo sự gần gũi rồi vào vấn đề thì mới đúng và trúng...”.

Hiện nay, dù đã nghỉ hưu nhưng với mong muốn gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền dạy ngôn ngữ dân tộc, ông Hơ Văn Tông A vẫn thường xuyên tham gia các lớp dạy tiếng Mông cho đội ngũ cán bộ địa phương. “Cũng như cái cây, cành lá muốn phát triển tốt thì phải giữ được bộ rễ, con người muốn phát triển thì phải biết giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Mà muốn giữ được bản sắc dân tộc, trước hết phải giữ được tiếng nói và chữ viết. Tôi chỉ mong dân tộc mình giữ được bản sắc riêng, còn cán bộ thì có vốn kiến thức cơ bản về văn hóa Mông để làm công tác dân vận cho hiệu quả”, ông Hơ Văn Tông A chia sẻ.

Theo ông Lò Văn Đồng, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Mường Lát: Hiện nay, ở Mường Lát, số người am hiểu sâu sắc ngôn ngữ, văn hóa dân tộc Mông như ông Hơ Văn Tông A không nhiều. Thời gian tới, huyện tiếp tục có những chính sách thiết thực để động viên, khuyến khích những người như ông Tông A góp sức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Nguồn: qdnd.vn