Ông lão thích xê dịch
Ông Trang vốn là giáo viên ở trường Đoàn Lý Tự Trọng những năm 1990. Khi còn trẻ, ông tích cực trong phong các hoạt động của Thành Đoàn TP HCM.
Năm 1993, ông sáng lập Hội du khảo trẻ, thường tổ chức các chuyến đi xuyên Việt bằng xe đạp để vừa đi vừa trải nghiệm và rèn luyện các kỹ năng.
Sau này, ông Trang mở công ty du lịch, thường dẫn các đoàn phượt xuyên Việt bằng xe máy. Đi nhiều đến mức, ông tự nhận mình có thể "thuộc hết những ổ gà trên quốc lộ 1A".
"Hơn 20 năm nay tôi không có chuyến đi xa nào bằng xe đạp cả. Nhân dịp bước sang tuổi 60, tôi quyết định thử xem mình còn sức như thời trẻ không", ông Trang hào hứng chia sẻ.
Lần này, ông quyết định chọn điểm xuất phát ở Hà Nội đạp xe vào TP.HCM để thử cảm giác "đi ngược lại". Sau khi dẫn một đoàn khách phượt 15 ngày ở các tỉnh Đông Bắc, ông về phố Tràng Thi ở Hà Nội mua chiếc xe đạp hiệu Thống Nhất với giá hơn 3 triệu đồng. Ngoài ra ông còn mua thêm 2 chiếc ruột xe dự phòng rồi lên đường về TPHCM trong sáng 20/7/2022.
Hành trình di chuyển trên quốc lộ 1A, ông Trang không sử dụng bản đồ, không mang theo dụng cụ sửa xe. Ông tính toán, nếu chẳng may xe hỏng thì sẽ dẫn bộ rồi nhờ người đi xe máy chở đến chỗ sửa xe đạp.
Tư trang của ông rất gọn nhẹ, với vài bộ quần áo mỏng, vật dụng cá nhân nặng chưa đến 3kg. Ông mang đôi sandal, đội nón kết và 2 chiếc khăn rằn, (một chiếc trùm đầu, một chiếc trùm vai chống nắng).
Bí quyết của ông lão đạp xe từ Hà Nội vào TP.HCM
Ngày đầu, ông di chuyển được khoảng 80km từ Hà Nội đến Ninh Bình, không dám đạp nhanh vì sợ mất sức. Những ngày sau đó, trung bình ông di chuyển với vận tốc khoảng 12km/h. Dốc cao thì dẫn bộ, thả dốc với vận tốc khoảng 50km/h.
Mỗi ngày ông sẽ xuất phát vào lúc 5h, mua thêm 2 ổ bánh mì treo trước xe. Lúc nào thấy mệt sẽ ghé vào quán nước bên đường để nghỉ ngơi. Loại thức uống ông thường chọn là chanh muối.
"Tôi lấy bánh mì chấm nước chanh muối vừa đảm bảo no vừa bổ sung vitamin, khoáng chất tốt cho sức khỏe. Điều tiếc nhất là quán dọc đường không làm chanh muối ngâm như xưa nữa, thay vào đó là các loại nước đóng chai", ông nói.
Tối đến, ông Trang tìm nhà nghỉ bình dân để ngủ qua đêm. Phòng phải có quạt máy. Tắm rửa xong, ông giặt bộ đồ hong trước quạt đến sáng cho khô rồi tiếp tục di chuyển.
Nhiều người quen biết hành trình của ông đã chủ động đón trước để mời cơm, cà phê ngồi trò chuyện. Họ ngỏ ý tặng ông máy nghe nhạc, đèn pin… nhưng ông đều từ chối vì muốn bản thân tận hưởng được hết các cảm xúc của chuyến đi.
Những đêm trăng sáng, ông không nghỉ sớm mà đạp xe đến hơn 22h để ngắm cảnh. Đó là điều ông cảm thấy thú vị nhất trong chuyến đi của mình.
Dù quen thuộc với cung đường quốc lộ 1A, nhưng khi đi xe đạp ông Trang mới có thời gian ngắm cảnh, tự mình ôn lại kỷ niệm xưa. Trên đường đi, ông Trang nhiều lần thủ thỉ với chiếc xe đạp.
Ra đến Đà Nẵng, ông Trang có cơ hội giao lưu cùng hội bạn yêu thích đạp xe đã quen biết từ trước trên mạng xã hội. Trong hàng chục chiếc xe đạp đời mới, gọn nhẹ, ông Trang nói với chiếc xe Thống Nhất của mình: "Ở đây toàn xe xịn, chỉ có mày là khiêm tốn nhất nhưng không buồn và so đo nhé. Nhờ có mày tao mới leo đèo được á!".
Ông Trang cũng khẳng định, nhờ chiếc xe nặng hơn 10kg này mà ông vượt qua được những cơn gió mạnh trên chuyến đi. "Nếu đi những chiếc xe đời mới nhẹ tênh ông già 60 tuổi sẽ bị gió thổi bay mất. Xe tốt thì có thể đi nhanh hơn, nhưng nếu không có tinh thần, ý chí thì sẽ không thực hiện được hành trình", ông cười khà khà chia sẻ.
Tưởng chừng những cơn mưa sẽ làm chùn chân ông lão, nhưng ngược lại ông thích nhất đạp xe dưới mưa vì mát mẻ, không mất sức khi đi giữa trời nắng.
3 con đèo lớn của đất nước là Đèo Ngang, Đèo Hải Vân, đèo Cả, ông Trang đều vượt qua một cách dễ dàng. Người đàn ông cho biết, sợ nhất là những lần thả dốc đèo. "Có khi tôi tưởng tượng chiếc xe đạp bị sập sườn rất nguy hiểm. Đi đến những khúc cua, ông vừa điều khiển ghi đông vừa bóp phanh nhẹ để giảm tốc độ", ông nói.
Trong suốt chuyến đi, ông thường cập nhật hành trình trên Facebook cá nhân. Nhiều người khuyên ông nên dừng lại, bắt xe đò trở về. Đứng trên đỉnh đèo nghỉ mệt, ông nghĩ: "Tôi coi trọng cách giáo dục thế hệ trẻ bằng việc noi gương, khi tôi muốn chia sẻ thông điệp nào đó, trước nhất tôi phải làm được thì mới nói được. Vì thế, tôi nghĩ mình phải tự mình về đích".
Suốt hành trình, ông Trang chỉ bị đau đầu chóng mặt một lần. Ông đã kịp vào quán nước nghỉ ngơi ăn uống để tiếp sức.
Có đêm, 2 chân bị chuột rút, ông phải bò từ trên giường xuống đất lục túi đồ lấy chai dầu nóng xoa bóp. Về phần chiếc xe, ông cho biết nó không hư hỏng gì. Vẫn còn nguyên vẹn cho đến khi vào tới TP.HCM.
19h ngày 11/8/2022, sau khi vượt gần 150 km gặp mưa từ Bình Thuận, ông Trang về đến cầu Đồng Nai, đoạn giáp ranh với Sài Gòn. Chụp tấm hình trong đêm cạnh cầu, ông thông báo với bạn bè và người thân mình đã hoàn thành chuyến đi 1800km trong 23 ngày.
Tuy nhớ nhà, nhớ vợ nhưng ông vẫn dành thời gian đạp rảo qua trường đoàn Lý Tự Trọng ngày xưa từng làm việc, ngồi nhâm nhi ly cà phê hồi tưởng chuyện xưa sau đó đạp về nhà ở quận Bình Thạnh.
"Thời gian có thể đã làm tôi yếu đi một chút, nhưng tôi bất ngờ vì sau chuyến đi mình vẫn khỏe. Tất nhiên đó là một quá trình rèn luyện di chuyển mấy chục năm nay của tôi", ông Trang chia sẻ bí quyết để hoàn thành chặng đường.
Nguồn: dantri.com.vn