Trải qua gần 70 cái Tết cổ truyền, tôi chứng kiến từng bước đổi thay của người Việt khi đón xuân mới. Với tôi, Tết Nguyên Đán không đơn thuần chỉ là một kỳ nghỉ lễ, mà đó còn là một cuộc thực hành văn hóa lớn nhất trong năm. Từ thời còn khó khăn, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, dù bận bịu đến mấy, thiếu thốn đến đâu, người ta cũng đều cố gắng lo cho gia đình mình một cái Tết đủ đầy nhất có thể. Bởi vậy mới có câu: "Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết".

Từ ngày 23 tháng Chạp, gia đình tôi cũng như bao gia đình khác đã tất bật dọn dẹp nhà cửa thật khang trang để cúng ông Công, ông Táo. Sau đó, cả nhà lại quây quần gói bánh, trông nồi bánh chưng thâu đêm. Dù nhà giàu hay nghèo, ai cũng cố gắng trưng được cành đào đón Tết trên ban thờ tổ tiên. Hành trình chuẩn bị Tết mệt nhưng vui. Cả gia đình ai cũng nhễ nhại mồ hôi nhưng đều cảm nhận được giá trị thiêng liêng của ngày Tết. Dọn dẹp cái cũ, đón năm mới với diện mạo mới, no ấm, đủ đầy, đó mới là ý nghĩa sâu xa của Tết.

Nhưng càng ngày, cuộc sống con người ngày một sung túc, đầy đủ hơn về mặt vật chất, khiến chúng ta quên dần giá trị thiêng liêng ấy. Người ta bây giờ muốn ăn Tết gọn nhẹ nhất có thể, không muốn tất bật dọn nhà, không muốn bày vẽ nấu nướng, không muốn trang trí nọ kia. Họ sợ mệt, sợ tốn kém và phiền hà. Niềm hân hoan chuẩn bị đón Tết bỗng chuyển thành nhiệm vụ, gánh nặng, việc bị ép buộc phải làm, một thực tế đáng buồn.

Người thế hệ cũ như chúng tôi mong chờ từng ngày đến Tết để được sum vầy bên con cháu. Vì cả năm chúng ta phải bôn ba ngược xuôi, vất vả kiếm từng đồng để mưu sinh, chỉ có ngày Tết mới được cho phép mình nghỉ ngơi, tề tựu đông đủ bên con cháu để hưởng thành quả của cả năm trời. Ngày xưa cũng chẳng có điện thoại thông minh, máy tính bảng để gọi video, gặp nhau từ khoảng cách hai đầu thế giới, vậy nên những giờ phút bên nhau trở nên đáng quý, đáng trân trọng hơn bao giờ hết.

Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển, chỉ một cuộc điện thoại, một cái bấm tay, ai cũng có thể nhìn thấy nhau ngay lập tức. Con cái tôi gần như tuần nào cũng gọi về, cho ông bà nói chuyện với các cháu. Cũng nhờ đó mà người già như chúng tôi như được bên con cháu mỗi ngày, dõi theo từng bước chúng phát triển dù ở hai đầu đất nước. Người trẻ coi đó là tiện lợi, nhanh chóng, nghĩ thế là đủ, hoàn toàn khác với suy nghĩ người già. Có lẽ, chúng không biết rằng, cả trăm phút gọi điện thoại cũng không bằng một vài giây được gặp con cháu bằng xương bằng thịt trước mắt. Có những thứ mà máy móc công nghệ không thể nào truyền tải được thay cảm xúc con người.

Những phong tục cổ truyền ngày Tết chính là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại. Nhưng đôi khi nhịp sống hiện đại quá vội vã khiến người ta quên đi những giá trị văn hóa tốt đẹp đó. Nếu không tự tay gói một chiếc bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa, nấu một mâm cỗ cúng... nhiều người trẻ sẽ cho rằng Tết nhạt và phiền hà. Và rồi, họ chẳng chịu động tay làm gì để cảm nhận không khí Tết, cứ ở lỳ trong phòng, ôm khư khư chiếc điện thoại di động và than rằng "Tết cũng chẳng khác gì ngày thường".

Chúng ta hôm nay nói nhiều đến cái Tết văn minh. Nhưng thế nào mới là văn minh, hiện đại nhưng không đánh mất đi những giá trị truyền thống thì có lẽ nhiều người chưa hiểu đúng. Ngày nay, người ta chủ yếu chơi Tết thay vì ăn Tết. Không ít người còn đi du lịch dài ngày để khỏi phải bày vẽ mấy ngày Tết. Nhưng họ không biết rằng, chính suy nghĩ đó đã góp phần làm mất đi giá trị thiêng liêng của ngày Tết cổ truyền dân tộc, dịp để người ta hướng về cội nguồn, tổ tiên, về bên gia đình, họ hàng để tận hưởng tình yêu thương mộc mạc nhất.

Tết cổ truyền của dân tộc có nhiều phong tục tập quán, đó là những nét đẹp được kết tinh qua nhiều thế hệ đi trước, với bao khó khăn, gian khổ mới hình thành được. Bởi thế, giữ gìn Tết cổ truyền với các phong tục truyền thống là trách nhiệm của mỗi người với thế hệ mai sau. (Theo vnexpress.net)