Cả năm đi làm ăn xa, giáp Tết mới được về sum họp với ông bà, bố mẹ nên gia đình chị Phạm Thanh Hương (Từ Liêm, Hà Nội) vô cùng háo hức. Dù đã thường xuyên gọi điện thăm hỏi nhưng được trực tiếp gặp và thấy ông bà, bố mẹ vẫn khỏe mạnh, tươi cười là chị Hương cảm thấy vui và hạnh phúc tràn đầy.

Rất nhiều năm rồi, gia đình ông Phi, bà Triệu (bố mẹ chị Hương) luôn giữ truyền thống sum họp quây quầy bên nhau trong ngày cuối năm. Gia đình tứ đại đồng đường, con cháu, dâu rể trong Nam ngoài Bắc, dù có bận rộn đến mấy nhưng cũng cố gắng thu xếp công việc để về bên gia đình. Ngay từ sáng sớm ngày cuối năm ông Phi, bà Triệu đã phân công công việc cho các con, các cháu rất bài bản. Nam giới chịu trách nhiệm dọn dẹp, trang trí nhà cửa, còn công việc bếp núc chợ búa là của phụ nữ. Cả gia đình từ người lớn tuổi nhất đến thành viên nhỏ tuổi nhất, ai nấy đều rạo rực chuẩn bị đón Tết về. Dù bận rộn nhưng mọi người đều cảm thấy ấm áp vì được quây quần đoàn viên bên gia đình. “Chúng tôi ở xa nhưng hôm nay cũng cố gắng thu xếp công việc để về ăn Tết với gia đình, cũng mang được con lợn để về góp cỗ với anh em gia tộc và cũng là để động viên các cụ mạnh khỏe”, anh Phạm Văn Đức con trai ông bà Phi – Triệu chia sẻ.

Dù các con đều trưởng thành nhưng trong ngày sum họp ấm cúng của đại gia đình như thế này bà Triệu vẫn muốn tự tay làm một vài món ăn truyền thống của Hà Nội như nem, chè kho để chiêu đãi các con nhất là những người ở xa.

Mâm cỗ được gia đình dâng lên bàn thờ để tưởng nhớ ông bà tổ tiên cầu mong một năm mới dồi dào sức khỏe với niềm hy vọng sẽ may mắn và thành đạt hơn. Theo ông Phạm Đức Phi dù mâm cơm không có những món cao lương mĩ vị nhưng với tất cả các thành viên trong đại gia đình dù đi đâu làm gì thì đây cũng là bữa cơm ngon nhất, ấm áp nhất và đông đủ nhất.

Còn gì hạnh phúc và thanh bình hơn khi trong không khí ấm áp quyện với khói trầm thơm ngát, bên mâm cơm đoàn viên có đủ bánh chưng xanh, dưa hành, giò mỡ…các con, các cháu lại được thưa chuyện với ông bà, cha mẹ những việc đã làm tốt trong năm từ chuyện học hành, làm ăn đến những chuyện tình cảm hay cả những luyến tiếc khi không hoàn thành được những kế hoạch đã đặt ra. “ Tôi năm nay đã gần 90 tuổi rồi nhưng năm nay mới là năm vui nhất của gia đình vì các con cháu đều về ăn Tết cùng gia đình. Năm nay gia đình được đoàn tụ, chừng này tuổi nhưng vẫn còn được chứng kiến sự trưởng thành của con cháu.”, ông Phạm Đức Phi phấn khởi.

Theo phong tục tập quán của dân tộc cứ đến ngày 30 Tết dù ai đi xa cũng đều trở về sum họp với gia đình để cùng ôn lại những vui buồn của năm cũ và chúc nhau nhiều may mắn hạnh phúc trong năm mới. Bữa cơm ngày cuối năm đậm đà hương vị của đoàn viên của tình cảm gia đình ấm áp thiêng liêng. “Mỗi lần được ngồi quây quần, sum họp cùng bố mẹ, các anh chị em và các cháu thì cảm động lắm, không nói lên lời”, chị Phạm Thị Thanh Huyền – con gái ông bà xúc động.

Dù cuộc sống có bận rộn đến mấy nhưng với nhiều người bữa cơm tất niên luôn có một cái gì đó hết sức thiêng liêng, nó trở thành sợi dây nối liền các thế hệ để nhắc nhở những người con dù đi xa đến đâu cũng nhớ bước chân quay về bên gia đình thân yêu./.

Mời nghe chương trình tại đây: