Trao đổi với chương trình, luật sư Nguyễn Văn Hưng - Phó Giám đốc Công ty Luật hợp danh The Light cho biết: Khi 1 người bắt, giữ người khác trái pháp luật thì tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm sẽ phải đối mặt với những biện pháp chế tài khác nhau. Cụ thể nếu thuộc trường hợp Khoản 1, Điều 157, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội bắt, giữ, giam người trái pháp luật thì khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng – 3 năm.

Nếu như phạm tội ở mức độ nghiêm trọng hơn như có tổ chức, lợi dụng chức vụ quyền hạn, phạm tội từ 2 lần trở lên, phạm tội đối với người già, phụ nữ thì có thể đối mặt với hình phạt từ 2 năm – 7 năm.

Mức hình phạt nặng nhất lên đến 12 năm đối với trường hợp làm cho người bị bắt, giữ bị chết, hoặc tự sát, dùng các biện pháp tra tấn, đối xử tàn bạo với phụ nữ, gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội nếu như có chức vụ, quyền hạn còn có thể chịu hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm – 5 năm.

Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Hưng, trong trường hợp phát hiện các hành vi phạm tội quả tang như trộm, cướp, bất kỳ ai cũng có quyền được bắt, giữ tội phạm nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật. Theo đó, nếu người dân phát hiện người phạm tội quả tang thì có thể bắt và thông báo hoặc áp giải ngay đến cơ quan chức năng, chứ không được tự tiện giam giữ người bị bắt.