Thuế giá trị gia tăng (GTGT) hay còn gọi là thuế VAT thuộc loại thuế gián thu, tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vj phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông, đến tiêu dùng, tạo nguồn thu lớn và ổn định cho ngân sách quốc gia.

Tại Việt Nam, Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 được thông qua ngày 03/06/2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009 thay thế cho Luật Thuế GTGT năm 1997 và đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần và lần này tiếp tục được Quốc hội khóa 15 kỳ họp thứ 8 xem xét cho ý kiến để sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, để tăng cường hiệu quả thu thuế GTGT đối với các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, tại dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) đã bổ sung khoản 4 và khoản 5 điều 4 để quy định cụ thể về người nộp thuế trong các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hoặc trên các nền tảng số.

Cụ thể, khoản 4 quy định người nộp thuế là các nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam; đồng thời cũng quy định các trường hợp nộp thuế thay cho nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, bao gồm: các tổ chức kinh doanh trong nước mua dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài qua kênh thương mại điện tử và các nền tảng số, tổ chức là nhà quản lý nền tảng số nước ngoài. Khoản 5 Điều 4 quy định cho trường hợp kinh doanh thương mại điện tử trong nước, trong đó, các nhà quản lý sàn giao dịch điện tử có nghĩa vụ thực hiện kê khai, nộp thay cho các hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn trong nước.

Mặc dù dự thảo Luật lần này vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT trong 26 nhóm này, chuyển 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT.

Mời quý vị nghe bà Phạm Thị Minh Hiền trao đổi về các nội dung của dự luật Thuế GTGT (sửa đổi) tại đây: