Việt Nam của chúng ta là nước sớm tham gia Công ước quốc tế về phòng chống buôn bán người của Liên hiệp quốc đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, đã ký hiệp định song phương với các nước Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Cam Pu Chia ... về phòng chống mua bán người. Luật phòng chống mua bán người đã được Quốc hội nước ta thông qua từ năm 2011. Trong Bộ luật hình sự tội mua bán người, mua bán trẻ em đã được quy định và trở thành một trong những công cụ đắc lực cho các cơ quan chức năng sử dụng trong công tác phòng chống tội phạm Mua bán người, mua bán trẻ em. Thực tế thời gian qua, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên thế giới và khu vực vẫn còn diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Còn ở nước ta trong những năm gần đây hoạt động mua bán người diễn ra có xu hướng gia tăng về số vụ án và có nhiều hoạt động tinh vi nhằm trốn tránh các cơ quan chức năng.

Phóng viên chương trình có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Bình – Giám đốc công ty Luật Aladin giúp các bạn có thể nhận diện về tội buôn bán người và những quy định của pháp luật xử lý tội phạm này.

PV: Thưa Luật sư, Luật sư có thể giải thích giúp cho thính giả được biết là hành vi mua bán người hiện nay có thể chia thành bao nhiêu nhóm hành vi và cụ thể là những nhóm hành vi nào?

Luật sư: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 150 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, Tội mua bán người được chia làm ba nhóm hành vi cụ thể như sau:

Nhóm thứ nhất: Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;

Nhóm thứ hai: Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

Nhóm thứ ba: Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại nhóm thứ nhất hoặc nhóm thứ hai nêu trên.

PV: Thực tế, tội phạm mua bán người thường lợi dụng phụ nữ, trẻ em ở các vùng nông thôn, miền núi, biên giới, người dân tộc thiểu số có trình độ hạn chế, hoàn cảnh khó khăn để lừa bán qua biên giới. Vậy, pháp luật hình sự quy định về hình phạt đối với hành vi mua bán người như thế nào?

Luật sư: Điều 150 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có quy định về Tội mua bán người với 3 khung hình phạt tù tương ứng với các khoản 1, 2, 3 cụ thể như sau:

Khoản 1: Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm đối với các hành vi:

a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;

b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.

Khoản 2: Phạt tù từ 08 năm đến 15 năm đối với một số trường hợp như:

a) Có tổ chức;

b) Vì động cơ đê hèn;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

d) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

e) Đối với từ 02 người đến 05 người;

f) Phạm tội 02 lần trở lên.

Khoản 3: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm đối với một số trường hợp như:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;

e) Đối với 06 người trở lên;

f) Tái phạm nguy hiểm.

- Ngoài ra còn có thể có hình phạt bổ sung theo quy định tại Khoản 4 Điều 150 Bộ luật Hình sự thì người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; Phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

PV: Đó là những quy định chung còn riêng với việc mua bán người dưới 16 tuổi thì hành vi này có bị xử lý nặng hơn không, thưa Luật sư?

Luật sư: Đối với hành vi mua bán người dưới 16 tuổi, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định riêng tại Điều 151.

Đối với tội mua bán người dưới 16 tuổi cũng có 3 khung hình phạt tù là hình phạt chính và có thêm hình phạt bổ sung là: phạt tiền; phạt quản chế; cấm cư trú; cấm đảm nhiệm chức vụ; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tuy nhiên xuất phát từ việc đối tượng bị phạm tội là người dưới 16 tuổi – là đối tượng đặc biệt nên hình phạt tù nặng hơn so với Tội mua bán người thông thường với 3 khung hình phạt cụ thể như sau:

- Khoản 1: Phạt tù từ 07 năm đến 12 năm;

- Khoản 2: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm;

- Khoản 3: Phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Như vậy, đối với Tội mua bán người có mức hình phạt cao nhất là đến 20 năm còn đối với Tội mua bán người dưới 16 tuổi thì mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.

PV: Thưa Luật sư, thủ đoạn tổ chức xuất cảnh trái phép để lao động thời vụ, sau đó lừa bán để cưỡng bức lao động, ép bán dâm, bán cho đàn ông mua làm vợ, thậm chí bán nội tạng cũng rất phổ biến. Đối với trường hợp những đối tượng dẫn người qua biên giới để mua bán nội tạng có bị xử lý về tội danh mua bán người hay không ?

Luật sư: Hiện nay, tội mua bán người diễn biến hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn khác nhau như: tổ chức xuất cảnh trái phép để lao động thời vụ, sau đó lừa bán để cưỡng bức lao động, ép bán dâm, bán làm vợ, hoặc bán nội tạng …

Trường hợp những đối tượng dẫn người qua biên giới để mua bán nội tạng là đã thỏa mãn về mục đích theo quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 150 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017: “Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác”

Tuy nhiên, cần chia ra 2 trường hợp:

- Trường hợp thứ nhất, nếu thỏa mãn về hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác” theo quy định tại Khoản 1 Điều 150 thì việc dẫn người qua biên giới để mua bán nội tạng sẽ cấu thành Tội mua bán người.

- Trường hợp thứ hai, nếu không thỏa mãn về hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác” theo quy định tại Khoản 1 Điều 150 mà chỉ đơn thuần là mua bán nội tạng cơ thể người thì thì việc dẫn người qua biên giới để mua bán nội tạng sẽ không cấu thành Tội mua bán người mà cấu thành tội danh khác, đó là: Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người theo quy định tại Điều 154 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

PV: Thưa Luật sư: Có những người bị bán 15 - 20 năm hoặc lâu hơn nữa, nhưng sau đó họ mới thoát và tìm được đường về. Nếu họ tố cáo kẻ phạm tội thì có còn thời hiệu để khởi tố vụ án mua bán người hay không?

Luật sư:

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 27 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, cụ thể:

Điều 27. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;

c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Như vậy, tùy vào loại tội phạm mà sẽ có thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự khác nhau cụ thể là:

- Đối với tội phạm ít nghiêm trọng, thời hiệu là 5 năm;

- Đối với tội phạm nghiêm trọng, thời hiệu là 10 năm;

- Đối với tội phạm rất nghiêm trọng, thời hiệu là 15 năm;

- Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, thời hiệu là 20 năm.

Tội mua bán người (Điều 150) hoặc Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017) là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại Điều 9 Bộ luật Hình sự về phân loại tội phạm. Chính vì vậy, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội này là 20 năm kể từ ngày tội phạm được thực hiện.

Như vậy, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thông thường trong thời hạn 20 năm kể từ khi tội phạm mua bán người được thực hiện. Còn nếu sau thời hạn 20 năm thì sẽ hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm trên.

Tuy nhiên, trường hợp: Người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới. Hoặc: Người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

PV: Chương trình Phòng chống mua bán người từ nay đến năm 2030 đã được Chính phủ quy định hết sức cụ thể, xin được hỏi Luật sư là những người không tố giác tội phạm này thì có bị xử lý không và hình thức xử lý như thế nào?

Luật sư: Hành vi không tố giác tội phạm nói chung và không tố giác tội phạm mua bán người nói riêng quy định tại Điều 390 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Người nào biết rõ tội phạm mua bán người đang được thực hiện hoặc đã thực hiện mà không tố giác thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Ngoại trừ 2 trường hợp sau:

1. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm theo quy định nêu trên.

2. Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định nêu trên trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa.

Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.

Xin cảm ơn Luật sư Nguyễn Văn Bình-Giám đốc Công ty Luật ALadin

Mời các bạn nghe âm thanh tại đây: