Sáng nay (23/5), Quốc hội tiến hành thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Tại đây, các đại biểu nêu ra những bất cập trong công tác lập pháp, khiến một số luật khi được ban hành chất lượng chưa cao, "tuổi thọ" ngắn.
"Tuổi thọ" của luật đang bị “trẻ hóa”
Nhìn lại công tác lập pháp của Quốc hội khóa XV, Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng có nhiều điểm nổi bật, nhưng cũng vẫn còn những hạn chế. Cụ thể là Quốc hội phải thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Đây là nguyên nhân khiến chất lượng một số luật chưa cao, khi ban hành chưa “đi vào cuộc sống”. “Việc thay đổi thường xuyên chương trình xây dựng luật pháp lệnh hàng năm tiềm ẩn nhiều rủi ro, không bảo đảm và không tránh khỏi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Chất lượng các đạo luật chưa cao. Những nội dung hàm súc chưa thể hướng dẫn được hành vi của con người. Hệ quả là phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn”, đại biểu Lê Thanh Vân viện dẫn.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thì cho răng Quốc hội trong công tác lập pháp đã có nhiều đổi mới, sáng tạo. Tuy nhiên, theo ông hệ thống pháp luật vẫn chưa thực sự đồng bộ, hoàn chỉnh. Tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản pháp luật là điều cần được quan tâm. “Một số quy định pháo luật có tính khả thi không cao, sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Đáng lưu ý, trong các văn bản pháp luật còn nhiều quy định mang tính nguyên tắc chung, chưa cụ thể để áp dụng thi hành được ngay mà còn phải ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa, hướng dẫn thi hành. Trong khi đó, việc ban hành các văn bản này thường rất chậm, không kịp thời nên pháp luật đi vào đời sống tồn tại tình trạng nhiều cách hiểu, cách làm khác nhau”, đại biểu Nguyễn Văn Huy cho biết.
“Công tác xây dựng luật còn nhiều tồn tại, yếu kém nên không chỉ chất lượng mà "tuổi thọ" của một số luật chưa cao” là góc nhìn của đại biểu Hoàng Đức Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị. “Dường như câu chuyện làm luật còn cập rập, vội vàng và thiếu chắc chắn. Cùng với đó, "tuổi thọ" của các dự án luật ngày càng được “trẻ hóa”. Một số dự án luật mới ban hành được 2 - 3 năm lại sửa đổi, bổ sung”, đại biểu Hoàng Đức Thắng nêu thực tế.
Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, nguyên nhân của vấn đề này một phần do việc dự báo chưa cao, kỷ cương không được thực hiện một cách nghiêm túc, còn tình trạng nể nang, thậm chí là tùy tiện khi thực hiện công tác xây dựng pháp luật. Đại biểu Thắng cho biết, một số dự án luật chuẩn bị gửi đến đại biểu Quốc hội còn rất chậm, không bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quy chế hoạt động của Quốc hội, làm hạn chế rất lớn đến việc nghiên cứu, tham gia của đại biểu Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội.
Để Luật đi vào cuộc sống
Để nâng cao chất lượng cũng như "tuổi thọ" của luật, đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng Quốc hội cần sớm khôi phục lại việc xây dựng chương trình pháp luật cho toàn khóa, bám vào nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng; hạn chế đến mức tối đa việc điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật hàng năm. Ông nhấn mạnh việc khắc phục tình trạng “luật khung”, “luật ống”. “Cần đổi mới thành phần ban soạn thảo theo hướng nhiều nhà khoa học, nhiều nhà chuyên môn tham gia. Đặc biệt, cần có sự tham gia của đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật, cần thể hiện sự cầu thị trong phản biện xã hội”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu giải pháp.
Hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng của luật, luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng để luật khi ban hành đi vào cuộc sống, Quốc hội cần trả lời được hai câu hỏi: Ai soạn thảo? Ban soạn thảo do ai chỉ đạo? Đặc biệt, ban soạn thảo phải có các chuyên gia, chuyên ngành. “Ban soạn thảo phải có một số cán bộ của cơ quan chuyên ngành và chuyên gia của các ngành pháp luật. Đối với các chuyên gia độc lập, các nhà khoa học hoặc những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nào đó không trực thuộc ban, ngành nào, có uy tín trong xã hội và đại diện cho đối tượng điều chỉnh thì mới bảo đảm sự sự khách quan, bảo đảm được tiêu chí chuyên ngành và có kiến thức về soạn thảo văn bản pháp quy. Ban soạn thảo này phải hình thành độc lập”, Luật sư Trương Trọng Nghĩa đề xuất.
Đề cập giải pháp cho việc nâng cao chất lượng và "tuổi thọ" của luật, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cũng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ giao công tác xây dựng luật cho các cơ quan chuyên môn. “Để việc xây dựng được đồng bộ, pháp luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, Quốc hội, Chính phủ cần giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn nhằm đảm bảo việc xây dựng chính sách, pháp luật của các dự án hoàn thành cùng với việc thông qua Chương trình xây dựng pháp luật; đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành hình thành rõ ràng những cơ chế, chính sách ngay trong các đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh; xem xét duyệt và chịu trách nhiệm về các chính sách trong các dự án luật, pháp lệnh được đưa vào Chương trình”, đại biểu Nguyễn Văn Huy bày tỏ.