Ngày 27/4, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Giang bắt tạm giam Lê Việt Hoàng (21 tuổi, ngụ TP HCM), Vũ Quang Quỳnh (27 tuổi, quê Nam Định) và Nguyễn Văn Tới (24 tuổi, quê Thanh Hóa) để điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, từ công tác nắm tình hình địa bàn, Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bắc Giang phát hiện nhiều lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của tỉnh và các địa phương khác bị cắt ghép hình ảnh gương mặt vào ảnh đồi trụy, nhạy cảm để đe dọa tống tiền.

Từ tháng 8 đến 10/2024, ba bị can đã đứng ra lập 71 tài khoản tại các ngân hàng, luân chuyển khoảng 200 tỷ đồng của gần 1.000 bị hại trên cả nước. Mỗi người được hưởng lợi bất chính khoảng 80 triệu đồng. Vào cuộc điều tra, công an đã làm rõ hành vi lừa đảo của 3 bị can trên.

Luật sư Nguyễn Văn Hưng - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết đã trực tiếp trợ giúp một vài trường hợp bị lồng ghép ảnh cá nhân vào các hình ảnh, clip nhạy cảm để đe dọa, tống tiền. Các đối tượng phạm tội thường lựa chọn thời điểm đêm khuya để nhắn tin, gửi những hình ảnh, clip được dàn dựng, chỉnh sửa này đến nạn nhân khiến họ hoang mang, lo lắng, chuyển tiền cho đối tượng để tránh bị phát tán, lan truyền những hình ảnh, clip, dù thực tế họ không làm những hành động như trong hình ảnh, clip đó.

Với chiêu sử dụng công nghệ cắt ghép hình ảnh khuôn mặt của nạn nhân rồi gắn vào hình ảnh, clip có nội dung nhạy cảm, các đối tượng xấu đã tống tiền nhiều người. Và có những nạn nhân đã phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, làm theo yêu cầu của các đối tượng vì sợ ảnh hưởng danh dự, mất uy tín,... Tuy nhiên luật sư Nguyễn Văn Hưng cho rằng: "Nếu thực hiện được hành vi tống tiền lần thứ nhất sẽ có lần thứ 2, lần thứ 3… Do đó, nếu bị nhóm đối tượng xấu cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, hãy trình báo ngay cho cơ quan chức năng, để bảo vệ cuộc sống bình yên của chính người bị tống tiền và những người khác."

Ông Vũ Thanh Thắng - nhà sáng lập Công ty cổ phần An ninh mạng SCS, chuyên gia về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo AI cũng đồng tình rằng khi bị những đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cắt ghép hình ảnh khuôn mặt vào những hình ảnh, clip có nội dung nhạy cảm rồi tống tiền, nạn nhân nên liên hệ với lực lượng chức năng như A05 hay C02 Bộ Công an để được hướng dẫn xử lý. Vì đây là những đối tượng tội phạm an ninh mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Nếu không có những đơn vị chức năng giúp xử lý những trường hợp này thì tình huống có thể sẽ rất nghiêm trọng.

Ông Vũ Thanh Thắng khuyến cáo: "Mạng xã hội giống như xã hội thật, có người tốt, người xấu. Đặc biệt hiện nay, các nhóm tội phạm sử dụng mạng xã hội để khai thác gia tăng. Do đó, chúng ta phải có sức đề kháng khi tham gia các hoạt động trên mạng xã hội, rất cân nhắc khi chia sẻ những thông tin nhạy cảm và tốt nhất là không nên chia sẻ những thông tin nhạy cảm nào trên mạng xã hội cả vì kể cả người tốt, trong một số tình huống nào đấy có thể thay đổi thành người xấu. Đồng thời, cần thanh lọc danh sách bạn bè trên mạng xã hội. Bởi trong số rất nhiều những người trong danh sách bạn bè của chúng ta, có thể có cả kẻ xấu."