Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng đội trao đổi về quy định liên quan di sản thờ cúng:
Anh Nguyễn Văn Tiến ở tỉnh Bắc Ninh nêu băn khoăn:
Bố mẹ tôi trước khi qua đời đã chia cho anh em tôi mỗi người một mảnh đất. Còn ngôi nhà tôi sống cùng bố mẹ sẽ để lại làm di sản thờ cúng và bố có nói sẽ do tôi quản lý. Sau ba năm khi cả bố và mẹ qua đời, em trai tôi lại muốn được chia cả ngôi nhà vì cho rằng đó là tài sản của bố mẹ để lại nên em tôi cũng có quyền. Tôi đã giải thích nhiều lần là bố đã để lại di chúc như vậy thì hai anh em phải thực hiện nhưng em tôi không đồng ý và cho rằng tôi đang tham lam, muốn chiếm đoạt di sản một mình. Nếu tôi không chia ngôi nhà đó thì em tôi sẽ đưa vợ con về ở cùng. Xin hỏi việc làm của em tôi như vậy là đúng hay không và tôi nên làm thế nào để bảo vệ được di sản thờ cúng bố mẹ để lại.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng đội cho biết, hiện nay pháp luật đã quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng tại Điều 626 và Điều 645 Luật Dân sự 2015, cụ thể:
Người lập di chúc có quyền dành một phần di sản vào việc thờ cúng.
Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng.
Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.
Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.
Như vậy, di sản dùng vào việc thờ cúng sẽ không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý. Theo đó, bất cứ người nào khác trong gia đình dù là con ruột cũng không có quyền sở hữu, sử dụng hay đòi chia phần đối với ngôi nhà dùng vào việc thờ cúng, bởi đây không còn là tài sản thuộc quyền sử dụng chung. Nếu cố tình đến ở hoặc đưa người đến ở trái ý người quản lý, thì có thể được xem là hành vi xâm phạm quyền chiếm hữu, quản lý tài sản hợp pháp và có thể bị xử lý theo pháp luật dân sự.
Theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng đội, để bảo vệ được di sản thờ cúng bố mẹ để lại, cần chuẩn bị sẵn bản di chúc hợp pháp - đây là căn cứ quan trọng để chứng minh người đã khuất có ý để lại ngôi nhà làm nơi thờ cúng và giao cho thính giả quản lý.
Trong trường hợp các bên có ý kiến khác nhau hoặc xảy ra tranh chấp, thính giả có thể chủ động đề nghị UBND xã, phường nơi cư trú tổ chức hòa giải. Nếu hòa giải không thành, có thể gửi đơn đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết. Khi đó, Tòa án sẽ xem xét toàn diện: từ bản di chúc, lời khai của các nhân chứng đến các giấy tờ liên quan nhằm xác định đúng ý nguyện của người đã mất và làm rõ quyền, nghĩa vụ của những người có liên quan.
Bên cạnh căn cứ pháp lý cũng cần đặt nặng yếu tố tình cảm. Hãy dành thời gian giải thích kỹ càng cho người thân về ý nguyện của bố mẹ và những quy định pháp luật liên quan. Bởi bảo vệ được tài sản là quan trọng, nhưng giữ được sự êm ấm trong gia đình mới là điều đáng quý hơn cả./.