Với tâm trạng lo lắng về sức khỏe của các con, anh Lê Minh Khôi, sống tại Bắc Ninh đã phải đưa hai con trai sinh đôi đến BV Tai Mũi Họng Trung ương khám.

“Bé này đang bị họng, mũi ngạt còn bé kia thì cũng ngạt mũi, ngủ ngáy và amidan sưng to…. Bác sĩ chỉ định nạo VA và cắt amidan. Chuẩn bị làm thêm một vài xét nghiệm nữa để chờ nghe kết luận của bác sĩ xem có nên nạo VA và cắt amidan không”- anh Khôi nói.

Viêm mũi họng dai dẳng khiến sức khỏe của các bé giảm sút, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt, học tập của trẻ nhỏ. Không những thế, việc phải uống nhiều thuốc kháng sinh có thể gây nên tình trạng kháng thuốc cho các bé sau này. Trước đây, mỗi năm, chị Lê Minh Vy- sống tại Tây Hồ- Hà Nội đều phải đưa con trai đi viện vài ba lần vì các bệnh liên quan đến tai mũi họng. Thế nhưng từ đầu năm nay, tần suất này tăng lên đáng kể. Bác sĩ cũng đã tư vấn chị nên cắt amidan cho con nhưng chị Vy vẫn lưỡng lự.

“Tuy nhiên mình còn phải tìm hiểu thêm, băn khoăn lo lắng sợ con đau, phải chăm sóc hồi phục thế nào, rồi sau khi làm xong thì có hết hẳn không…”- chị Vy chia sẻ.

Để đưa ra quyết định điều trị đúng đắn, cha mẹ luôn phải dựa vào sự thăm khám và tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên, với các can thiệp sâu hơn, cha mẹ nào cũng lo lắng về những tác động đối với sức khỏe của bé.

Ths.BS Đỗ Tiến Quân- Chuyên khoa Tai- Mũi-Họng- BV Đa khoa An Việt cho biết, amidan là tổ chức lympho có vai trò miễn dịch tại chỗ, chống lại sự xâm nhập và tấn công của các tác nhân gây bệnh từ môi trường. Thế nhưng, do vị trí của amidan nằm ở ngay trong họng nên thường bị virus, vi khuẩn tấn công.

Amidan rất gần với VA, vì vậy tình trạng viêm của 2 bộ phận này có nhiều liên quan đến nhau. “Có thể một vài ngày sau khi viêm VA, trẻ có thể bị viêm amidan hoặc có thể viêm cùng một lần. Mỗi đợt sẽ có các kiểu viêm khác nhau hoặc giống nhau. Có khi bố mẹ sẽ dễ dàng nhầm lẫn vì viêm VA ở sâu ở phần tiếp giáp giữa mũi và họng nên cũng khó nhận biết hơn viêm amidan”- BS Quân cho hay.

Dù đều mang nhiệm vụ miễn dịch giống nhau nhưng vì nằm ở những vị trí khác nhau nên biểu hiện cũng khác nhau, nên điều trị cũng khác nhau. Các phụ huynh thường đặt câu hỏi: có nên cắt amidan cho con hay có thể bảo tồn amidan vì vai trò bảo vệ của nó đối với trẻ nhỏ?

“Việc tạo miễn dịch cho trẻ của VA và amidan không giống nhau và cũng có tác dụng ở từng độ tuổi nên việc nạo VA hay cắt amidan cũng hơi khác nhau một chút. Thông thường sau 4 tuổi tổ chức VA cũng teo đi, lúc này có thể nạo VA được, tuy nhiên lại có trẻ từ 5-8 tuổi VA vẫn to và viêm. Tuy nhiên tổ chức amidan phát triển sau và nó có tác dụng miễn dịch nhiều năm về sau nên tùy vào tình trạng bệnh BS mới có thể đưa ra chỉ định có nên cắt amidan hay không hoặc là có thể đưa ra chỉ định nạo VA và cắt amidan luôn. Tuy nhiên, khi trẻ có biểu hiện viêm VA và amidan tái phát nhiều lần, viêm amidan quá phát (amidan to) gây ngủ ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ hoặc viêm amidan có thể viêm nội tâm mạc (mạc trong tim) viêm cầu thận hoặc viêm khớp thì lúc đó mới có chỉ định cắt amidan”- BS Tiến Quân nhấn mạnh.

Cắt amidan là một phẫu thuật thường quy phổ biến trong ngành Tai Mũi Họng và hoàn toàn không gây nguy hiểm nếu bác sĩ thực hiện có chuyên môn tốt và thực hiện tại cơ sở y tế uy tín. Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra một vài biến chứng sau mổ như: Nhiễm trùng vết thương, chảy máu sau mổ, tái phát viêm amidan hoặc bị thay đổi giọng nói.

BS Đỗ Tiến Quân đặc biệt lưu ý việc chăm sóc sau mổ amidan cho trẻ nhỏ vì các bé sẽ khó chịu đau như người lớn, việc ăn uống cũng khó khăn hơn nên cha mẹ cũng cần ân cần và dịu dàng chăm sóc các bé. Việc chăm sóc dinh dưỡng nên được thực hiện như sau:

-Ăn chín uống sôi và luôn đảm bảo an toàn vệ sinh, tránh sự xâm nhập của vi khuẩn hoặc virus có trong thực phẩm không đảm bảo.

-Không ăn món ăn quá nóng hoặc quá lạnh bởi các món này sẽ càng kích thích amidan sưng viêm và các vùng xung quanh đau nhiều hơn.

-Thức ăn nên ở dạng mềm, lỏng và dễ nuốt như: súp, canh ấm, cháo, đồ ninh nhừ, các món ăn trơn, sữa... làm giảm cọ xát cổ họng, làm dịu chỗ sưng viêm và giúp bé giảm đau rát họng trong khi ăn. Tuyệt đối không cho trẻ ăn những món ăn khô cứng hay chiên giòn vì sẽ làm cho tình trạng amidan sưng viêm trở nên nghiêm trọng hơn.

Trong điều kiện môi trường dễ gây bệnh như hiện nay, cha mẹ cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho trẻ.

“Nguyên tắc phòng ngừa viêm amidan là phải giữ ấm cho phần cổ họng đồng thời tăng cường sức đề kháng cho amidan và các bộ phận xung quanh tránh nhiễm trùng, tổn thương. Cha mẹ nên giữ ấm cơ thể và vùng cổ cho các bé. Ăn uống đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng trẻ nhỏ và đặc biệt, cần vệ sinh răng miệng và vùng mũi họng thật sạch sẽ”- BS Tiến Quân khuyến cáo.