Ở nước ta hiện nay có gần 3,5 triệu đối tượng được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội. Có 29 tỉnh, thành phố quyết định mở rộng đối tượng hưởng chính sách, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội.

Chính sách trợ giúp xã hội chính là sự đảm bảo của Nhà nước, sự hỗ trợ của cộng đồng về thu nhập và các điều kiện sống thiết yếu bằng các hình thức và biện pháp khác nhau đối với các thành viên trong xã hội khi họ rơi vào cảnh rủi ro, bất hạnh, nghèo đói, yếu thế hoặc hẫng hụt trong cuộc sống mà bản thân họ không đủ khả năng tự lo được cuộc sống của bản thân và gia đình ở mức tối thiểu.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, các bộ, ngành liên quan và 63 địa phương đã phê duyệt Kế hoạch triển khai Chương trình trợ giúp xã hội đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, đã có 49 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trong đó có 31 cơ sở chăm sóc chuyên biệt, 18 cơ sở tổng hợp. Một số tỉnh, thành phố đã xây dựng mô hình tốt về lao động trị liệu và phục hồi chức năng luân phiên cho người tâm thần nặng như: Trung tâm Bảo trợ xã hội các tỉnh Sơn La, Thừa Thiên Huế, Hải Dương, Thái Nguyên; Trung tâm Điều dưỡng và phục hồi chức năng người tâm thần Việt Trì.

Tiến Sỹ Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong những năm qua, chính sách bảo trợ xã hội đã được một số kết quả đáng chú ý như: Bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng văn bản, đề án theo chương trình công tác của Chính phủ, Bộ; rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách; bảo đảm 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; bảo đảm 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói, dịch bệnh được trợ giúp kịp thời, không người dân nào bị đói; hướng dẫn các địa phương chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả do thiên tai; bảo đảm 87% tỷ lệ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời; bảo đảm 87% tỷ lệ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời.

Với việc thực hiện đồng bộ các chính sách, người dân và đối tượng bảo trợ đã được tiếp cận tốt hơn các nguồn lực kinh tế và các dịch vụ xã hội. Qua đó, số lượng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội ngày càng tăng; các cá nhân, gia đình bị thiệt hại bởi thiên tai, lũ lụt được hỗ trợ kịp thời. Đến nay, có thể nói, mức độ bao phủ của chính sách trợ giúp xã hội đã tăng lên đáng kể.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 và TS Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tại đây: