Sáng 25/6, tiếp tục chương trình kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại hội trường về luật Công chứng sửa đổi.
Liên quan đến nội dung công chứng giao dịch bất động sản, theo điều 41 dự thảo, công chứng viên chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ một số trường hợp nhất định. Nội dung này được kế thừa từ luật Công chứng năm 2014 (đang có hiệu lực).
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, làm rõ tính phù hợp của quy định nêu trên, đồng thời xem xét chỉnh lý theo hướng mở rộng phạm vi các giao dịch về bất động sản được công chứng không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Tán thành với đề xuất này, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, hiện các dữ liệu Quốc gia về đất đai, nhà ở, bất động sản khác đã được xây dựng và khai thác, cho nên việc hạn chế thẩm quyền công chứng trong phạm vi về giao dịch bất động sản sẽ gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi cần công chứng. Bên cạnh đó, công chứng viên phải chịu trách nhiệm đối với hoạt động công chứng của mình cho nên việc mở rộng phạm vi công chứng liên quan đến bất động sản là phù hợp với chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh, cần cân nhắc đối với đề xuất này, bởi trong giai đoạn hiện nay, dù đã có các cơ sở dữ liệu chung về đất đai, nhà ở, bất động sản khác, tuy nhiên sự chính xác của các số liệu cũng như thông tin liên quan đến dữ liệu phải có quá trình để hoàn thiện và làm đầy, đặc biệt là về tính chính xác.
Bên cạnh đó, hạ tầng, trang thiết bị của các địa phương cũng chưa có sự đồng đều nên nếu đặt vấn đề bỏ địa hạt trong các hợp đồng giao dịch về bất động sản ngay từ bây giờ sẽ khó.
Đại biểu Hồng Hạnh nhấn mạnh: “Hiện nay tình trạng giả mạo trong các hợp đồng công chứng, lừa đảo công nghệ đang diễn ra rất nhiều… nếu chưa có sự hoàn thiện về cơ sở dữ liệu, sự đồng bộ về trang thiết bị, các biện pháp phòng ngừa thì việc cho phép này sẽ rất nguy hiểm. Hậu quả của việc này là rất lớn và người lãnh chịu hậu quả sẽ là người dân.”
Để đảm bảo quyền lợi của người dân, tránh rủi ro, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cũng đề xuất, nên giới hạn hoạt động công chứng giao dịch bất động sản bằng hình thức công chứng điện tử trong dự thảo luật. Bởi trong hoạt động công chứng có nhiều vấn đề đòi hỏi công chứng viên phải tiếp xúc trực tiếp với người yêu cầu công chứng mới đảm bảo tính chính xác mà công nghệ hiện nay chưa có thể thay thế được.
“Ví dụ như việc đánh giá năng lực hành vi hay ý trí tự nguyện của người yêu cầu công chứng bắt buộc phải gặp mặt trực tiếp chứ không thể thông qua công nghệ. Nhất là trong giai đoạn hiện nay đã xuất hiện tội phạm công nghệ cao sử dụng AI để giả giọng nói, khuôn mặt có thể dẫn đến các vụ lừa đảo gây hậu quả nghiêm trọng. Do vậy việc công chứng điện tử cần tiến hành thận trọng có bước đi hợp lý, trước mắt dự thảo Luật cần quy định rõ chỉ chỉ áp dụng ở phạm vi hẹp với các giao dịch đơn giản chứ không áp dụng đối với các giao dịch phức tạp như bất động sản hay thừa kế”, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông phân tích.
Hiện mô hình công chứng tại nước ta là công chứng nội dung. Tức là, công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính xác thực, hợp pháp của giao dịch, bao gồm cả đối tượng của giao dịch.
Với giao dịch là bất động sản, ngoài việc kiểm tra các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng về bất động sản, trong trường hợp cần thiết, công chứng viên phải tiến hành kiểm tra, xác minh thực tế tại nơi có bất động sản, yêu cầu giám định để bảo đảm an toàn pháp lý cho giao dịch.
Thực tế cho thấy, mới chỉ có số ít địa phương đã xây dựng được cơ sở dữ liệu công chứng và chứng thực hợp đồng giao dịch. Chưa kể, tính đầy đủ, thống nhất của cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực tại các địa phương chưa thực hiện được, việc kết nối các cơ sở dữ liệu này cũng không khả thi trong điều kiện hiện nay. Do vậy, Bộ Tư pháp cho rằng thực hiện công chứng bất động sản theo địa hạt cấp tỉnh sẽ hạn chế tối đa nguy cơ rủi ro về công chứng, chứng thực nhiều lần đối với một bất động sản tại một thời điểm.