Sáng nay (23/10), Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội nhiều ý kiến nhất trí với quy định trong dự thảo luật.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng và thấy rằng, quy định như Điều 103 Bộ luật hình sự hiện hành về tổng hợp hình phạt là bất hợp lý, dẫn đến thiếu công bằng. Việc sửa đổi như khoản 2 và khoản 3 Điều 117 dự thảo luật đã khắc phục được sự thiếu công bằng nêu trên.

Về mức tổng hợp hình phạt chung đề xuất chỉnh lý theo hướng: không quá 12 năm tù đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và không quá 18 năm tù đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và áp dụng thống nhất với mọi tội phạm (mà không chỉ áp dụng với 5 tội như dự thảo luật).

"Quy định như vậy vừa bảo đảm phân hóa được chính sách xử lý giữa người chưa thành niên phạm một tội với người chưa thành niên phạm nhiều tội; vừa không tăng nặng trách nhiệm xử lý so với quy định của Bộ luật hình sự", bà Lê Thị Nga nói.

Lo lắng gia tăng tội phạm dưới 18 tuổi

Liên quan đến việc tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với dự thảo luật phải tách riêng vụ án có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết.

Tuy nhiên, Đại biểu Phạm Văn Hòa (ĐBQH Đồng Tháp) cho rằng không phải vụ án hình sự nào có người chưa thành niên phạm tội cũng phải tách bởi có vụ án người chưa thành niên có những tình tiết liên quan chặt chẽ, nếu tách vụ án sẽ gây khó khăn cho cả cơ quan điều tra lẫn cơ quan xét xử.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tạo (ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) nêu quan điểm, dự thảo Luật quy định cụ thể các tội phạm không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng: Tội giết người, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm từ đủ 13 tuổi đến 16 tuổi, sản xuất trái phép, tàng trữ trái phép, mua bán trái phép, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy là chưa đầy đủ và thuyết phục.

Ông Tạo đánh giá, trong vòng 10 năm qua tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực hiện có xu hướng ngày càng gia tăng. Đối tượng người chưa thành niên phạm tội tập trung chủ yếu là độ tuổi từ 16 đến 18 tuổi. Lợi dụng sự phát triển không gian mạng tập hợp thành các nhóm lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm đối tượng mang tính chất hỗn chiến, phạm tội manh động…

“Nếu chỉ có các loại tội này không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thì rất có thể tình hình tội phạm trong thời gian tới do người dưới 18 tuổi gây ra sẽ tiếp tục gia tăng, xuất hiện các băng nhóm chỉ sử dụng người dưới 18 tuổi để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, hủy hại tài sản... ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự", đại biểu Nguyễn Tạo lo lắng.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Tạo kiến nghị bổ sung các trường hợp không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng vào Khoản 1, Khoản 2, Điều 39 dự thảo luật để tránh việc áp dụng không thống nhất đồng bộ nhằm nâng cao công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đồng tình với đại biểu Nguyễn Tạo, đại biểu Dương Văn Phước (ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho rằng cần bổ sung các trường hợp không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng như: Người chưa thành niên tổ chức cầm đầu chỉ huy người phạm tội có tính chất côn đồ chuyên nghiệp; Người chưa thành niên phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm để phạm tội.

Theo đại biểu Dương Văn Phước, trong thời gian qua, người chưa thành niên vi phạm pháp luật tập trung nhiều vào độ tuổi 16-18. Các đối tượng này lợi dụng không gian mạng tập hợp tội phạm phạm tội mang tính chất có tổ chức manh động, côn đồ nguy hiểm cho xã hội. Nếu hành vi nêu trên được áp dụng biện pháp chuyển hướng sẽ có nguy cơ gia tăng nhóm tội phạm đối với người chưa thành niên gây mất an ninh trật tự.

"Đồng thời, người chưa thành niên phạm tội cố ý giết người thân ruột thịt như cha mẹ, anh chị em ruột cũng không nên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng mà cần xử lý nghiêm những người mất nhân tính, giết hại cả người thân thích, ruột thịt của mình, vi phạm đạo đức phạm tội nghiêm trọng. Đây là những đối tượng đặc biệt nguy hiểm...", đại biểu Dương Văn Phước kiến nghị.

Đối với việc thi hành án phạt tù của người chưa thành niên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (ĐBQH Hải Dương) đề nghị bổ sung quy định “Ưu tiên cho người chưa thành niên chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam giữ gần gia đình, địa phương cư trú”.

Theo bà Nga, quy định này thể hiện tính nhân văn, tạo điều kiện cho gia đình thăm nom, gặp gỡ, động viên người chưa thành niên phạm tội, góp phần cải thiện tâm lý của người chưa thành niên theo hướng tích cực hơn.

Dự thảo luật Luật Tư pháp người chưa thành niên cũng đã bổ sung nhiều chính sách và quy định chuyên biệt, thân thiện và nhân văn hơn dành cho người chưa thành niên như: Thời hạn điều tra, truy tố, xét xử với người chưa thành niên không quá 1/2 thời hạn đối với người trưởng thành, trừ trường hợp vụ án có tính chất đặc biệt phức tạp.

Người tiến hành tố tụng phải đáp ứng điều kiện đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người chưa thành niên.