Quyền của phụ nữ được ghi nhận trong các bản Hiến pháp, đặc biệt là Điều 26 Hiến pháp năm 2013: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”.
Tuy nhiên, khác với nam giới, phụ nữ phải đảm nhiệm nhiều vai trò: Vừa là lao động, vừa là vợ, là mẹ, có nghĩa vụ, bổn phận chăm sóc gia đình. Do đó, cần thiết phải có những quy định riêng nhằm mục đích bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ và định hướng hoàn thiện chính sách xã hội đối với phụ nữ. Các quy định dành riêng cho phụ nữ được quy định tập trung tại Luật Bình đẳng giới năm 2006, Bộ luật Lao động năm 2019, Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Bà Nguyễn Thùy Phương, Trưởng phòng BHXH Ngắn hạn, Ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội - Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:
Người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện quyền bình đẳng giữa lao động nữ và lao động nam trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng, thăng tiến, trả công lao động, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, an toàn lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, các chế độ phúc lợi khác về vật chất và tinh thần.
- Tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ. Bảo đảm có đủ buồng tắm và buồng vệ sinh phù họp tại nơi làm việc.
- Giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phàn chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho lao động nữ….
Về chế độ làm việc, chế độ chính sách đối với lao động nữ khi mang thai, sinh nở, bà Nguyễn Thùy Phương cho biết:
- Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ hoặc đi công tác xa trong trường họp: Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7, hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
- Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 7, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 1 giờ làm việc hàng ngày mà vẫn hưởng đủ lương. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động. Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động.
- Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 03 ngày trong một tháng; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
- Điều 139 Bộ Luật lao động năm 2019 quy định: “Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 06 tháng”. Trong thời gian nghỉ thai sản, các chế độ áp dụng đối với lao động nữ được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, trong đó, chế độ hưởng nguyên lương là quan trọng nhất, bảo đảm quyền lợi về mặt vật chất cho người lao động nữ.
- Hết thời gian nghỉ thai sản 06 tháng, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thỏa thuận với người sử dụng lao động. Hoặc lao động nữ có thể đi làm sớm hơn thời gian nghỉ thai sản theo quy định, tuy nhiên, Điều 139 Bộ Luật lao động năm 2019 quy định: “ Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng nhưng người lao động phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động”.
- Ngoài ra, lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi; lao động nữ đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình đều là những trường hợp được hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
- Ngoài ra, tại Bộ luật Lao động năm 2019 còn quy định một số chính sách khác đối với lao động nữ như: Quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai; quyền lợi của phụ nữ trong thi hành án...
Mời các bạn nghe bà Nguyễn Thùy Phương, Trưởng phòng BHXH Ngắn hạn, Ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội - Bảo hiểm xã hội Việt Nam tư vấn một số trường hợp cụ thể dưới đây: