Từ năm 2025, Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có 4 môn. Trong đó, 2 môn Toán và Ngữ văn bắt buộc; 2 môn học sinh lựa chọn trong 12 môn còn lại, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, công nghệ. Như vậy, học sinh sẽ có tất cả 36 lựa chọn các môn thi.

Thời điểm này, nhiều trường THPT đã tổ chức khảo sát học sinh lớp 12 lựa chọn 2 môn thi còn lại. Khảo sát cho thấy, học sinh không chọn hoặc rất ít lựa chọn các môn Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế pháp luật. Nhiều địa phương tỷ lệ rất thấp chọn môn Tiếng Anh.

Ví dụ tại Trường THPT Nguyễn Huệ, tỉnh Thái Bình, Tiếng Anh số lượng chọn ít nhất. Hai môn Công nghệ và Tin học, học sinh không lựa chọn, vì tâm lý thận trọng đây là hai môn chưa từng thi tốt nghiệp THPT.

Trường THPT Hùng Vương (Đắk Lắk) có hơn 300 học sinh lớp 12, nhưng chỉ có 50 em chọn môn Tiếng Anh. Môn Tin học, Công nghệ hầu như không có học sinh lựa chọn.

Trường THPT Việt Đức, Hoàn Kiếm, Hà Nội hoàn thành khảo sát từ ngay sau khai giảng. Trong đó Tiếng Anh có tỷ lệ học sinh chọn cao nhất với 765/912 em. Tin học chỉ có 5 học sinh chọn và Công nghệ không có học sinh đăng ký.

Ngược lại, có tình trạng tại nhiều trường THPT, học sinh có nhu cầu chọn các môn học mới nhưng nhà trường lại tìm cách để hướng các em chọn thi các môn "truyền thống". Lý do để giải thích với phụ huynh và học sinh được chỉ ra là lượng học sinh đăng ký các môn này quá ít, gây khó khăn trong tổ chức ôn tập.

Học sinh và nhà trường đang chọn phương án an toàn

Trao đổi với VOV2, thầy Đặng Minh Tuấn, giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng việc cho phép học sinh lựa chọn môn thi đồng nghĩa các em sẽ chọn những môn cho kết quả cao nhất nhằm sử dụng kết quả thi tốt nghiệp cho tuyển sinh đại học. Với các môn mới như Công nghệ và Tin học, học sinh không chọn thi bởi nhiều lí do.

Thứ nhất có những tổ hợp không có một hoặc thậm chí cả hai môn học này. Những trường có tổ chức dạy nhưng số tiết học không nhiều, thiếu giáo viên giảng dạy. Điều này khiến học sinh không lựa chọn nhằm mục đích an toàn.

Thêm vào đó, hiện nay các trường đại học đều chưa có phương án khối thi với các môn thi cụ thể trong phương thức thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, học sinh có xu hướng chọn theo các khối thi truyền thống. Điều này góp thêm lý do để kể cả thí sinh mong muốn theo học các ngành l kỹ thuật, công nghệ thông tin vẫn không đăng ký thi Tin học hay Công nghệ.

Riêng với Tiếng Anh, việc phân hóa trong chọn lựa đã cho thấy bức tranh rõ nét trong đào tạo. Ở các thành phố, đô thị phát triển, học sinh có cơ hội học tập, rèn luyện bộ môn này không chỉ trong nhà trường mà còn có các lớp học chất lượng bên ngoài, cung cấp đủ các kĩ năng của việc học ngoại ngữ. Trong khi ở nhiều địa phương, điều kiện học tập ngoại ngữ hạn chế hơn nên dù xác định Tiếng Anh quan trọng thì học sinh vẫn chọn phương án thi an toàn.

Việc nhiều trường THPT vận động học sinh chọn các môn thi theo khối thi truyền thống cho thấy có một nỗi sợ của thầy cô và nhà trường về năng lực tổ chức dạy học, ôn tập các môn mới của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

“Để dạy các môn mới ở trường phổ thông hiện nay cần khẳng định rất thiếu đôi ngũ giáo viên. Như tôi biết thì học sinh cũng không thể hỏi kinh nghiệm từ thế hệ đi trước với các môn học rất mới này, rồi các bạn cũng lo lắng về việc ôn luyện ở đâu, rất mạo hiểm. Kiến thức môn học mới cũng lại lạ lẫm khiến các bạn cảm giác chưa sẵn sàng. Tâm tư học sinh luôn thực nhất. Cả học sinh lẫn thầy cô đều chưa tự tin và buộc phải hướng tới giải pháp an toàn”, thầy Minh Tuấn phân tích.

Các trường cần sớm công bố phương thức tuyển sinh cụ thể theo khối thi

Thầy Minh Tuấn khẳng định chỉ trừ một số trường mạnh, có cơ chế tuyển sinh riêng, còn nhìn “bức tranh” tổng thể giáo dục, điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn sẽ được đa số các trường đại học sử dụng trong tuyển sinh.

Vì vậy, để không có những "nghịch lý" trong lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT, theo thầy Minh Tuấn cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn học cũng như cũng cần công bố sớm hơn phương thức tuyển sinh đại học nhằm hỗ trợ cho phụ huynh và học sinh thêm thời gian lựa chọn chính xác, ngay từ thời điểm bước vào THPT.

Cũng theo thầy Minh Tuấn, phải thay đổi quan điểm vốn luôn tồn tại của cả học sinh, phụ huynh và các nhà trường đó là học để thi và chỉ thi mới học mà không quan tâm tới năng lực và định hướng nghề nghiệp.

Giáo dục phổ thông là để cho tất cả mọi người. Vì vậy quan trọng nhất là chất lượng đào tạo tại từng trường THPT cần nâng cao và đều đặn ở các môn học, tạo sức hút với học sinh.

"Làm được điều này sẽ khiến các giáo viên đang đảm trách những môn học mới, những môn rất ít hoặc không có học sinh chọn có thể yên tâm công tác, nâng cao chất lượng bài giảng cũng như tạo hứng thú học tập và lựa chọn của học sinh, tránh tình trạng phân hóa môn chính môn phụ ngày càng nặng chỉ vì học sinh không chọn thi.

"Trước đây chúng ta rất lo lắng về chuyện nếu không cho học sinh bắt buộc học môn Lịch Sử thì liệu số đăng kí có nhiều không? Tôi từng nói ít nhất có trên 50% học sinh sẽ chọn môn đó. Và thực tế thống kê các trường đã diễn ra như thế. Những môn các em không đăng kí hoặc đăng kí ít đăng kí thực ra đều có những độ khó nhất định, đòi hỏi học sinh thích, tự tin vào kết quả học tập. Tôi cho việc cho học sinh lựa chọn theo sở thích và lựa chọn nghề nghiệp thì điều này hoàn toàn bình thường.

Mình cần có những biện pháp điều chỉnh nguyện vọng của các em để làm sao việc đăng kí môn thi cân đối hơn, đồng thời cũng phục vụ cho những định hướng nghề nghiệp khoa học, công nghệ ở bậc sau phổ thông. Những trường đại học top đầu mà chọn kết quả tuyển sinh đại học từ điểm THPT từ môn thi nào, học sinh sẽ chọn học và thi môn đó. Lẽ ra chúng ta phải thúc đẩy làm sớm hơn. Các trường đại học phải công bố những môn thi mà mình sẽ chọn kết quả".

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018