Khoản 2, Điều 32 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định 2 trường hợp cá nhân, tổ chức có thể sử dụng hình ảnh của người khác mà không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: Thứ nhất là hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích công cộng. Thứ hai là hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Thế nhưng vẫn có những người sử dụng hình ảnh của người khác nhằm mục đích xấu, làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video mang nội dung gây tranh cãi như quan điểm về nam giới miền Bắc, phân biệt con trai đi xe máy tay ga và xe máy số…, trong đó, một cô gái đeo khẩu trang có nói “con trai đi xe số là dơ”. Nhiều kênh Facebook, TikTok không kiểm chứng thông tin đã chia sẻ lại video này. Ngay lập tức, đoạn video đã nhận nhiều “gạch đá” từ cộng đồng mạng và những thông tin về cô gái với phát biểu chê con trai đi xe số đã bị phát tán trên mạng xã hội.

N. – nữ sinh trong đoạn video rất sốc khi thấy hình ảnh của mình bị lồng ghép vào thông tin sai lệch như thế và vội vàng lên tiếng đính chính rằng đây là một sản phẩm cắt ghép, lồng tiếng vào hình một cách cố tình để câu tương tác. Trước đó, N. có chuyến du lịch đến Đà Lạt và được một người tiếp cận xin phỏng vấn. Những câu hỏi đặt ra hoàn toàn không đề cập đến chuyện phân biệt đi xe ga, xe số như nội dung phát tán trên mạng xã hội. Tiếng nói trong đoạn video cũng không phải của N. HM – người dựng và tung đoạn video lên mạng thừa nhận đã ghép giọng nói khác vào hình ảnh của cô gái để câu view, thu hút sự chú ý trên mạng xã hội. Tuy nhiên trên fanpage cá nhân, HM vẫn liên tục có những bài đăng, bình luận thách thức cộng đồng mạng và chế giễu nạn nhân.

N. đã làm đơn trình báo sự việc đến cơ quan chức năng với mong muốn nhóm người bôi nhọ hình ảnh của mình sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Luật sư Nguyễn Văn Hưng - Phó Giám đốc Công ty Luật hợp danh The light cho biết: "Tùy tính chất, mức độ của sự việc mà những đối tượng tự ý sử dụng hình ảnh của người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Theo đó, mức phạt hành chính sẽ được áp dụng theo điểm e, Khoản 3, Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng - 20.000.000 đồng. Nếu hành vi đó gây ảnh hưởng lớn đến xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bị xúc phạm hình ảnh, các cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý hành vi này theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015. Mức phạt tù cao nhất có thể lên đến 5 năm với tội làm nhục người khác (Điều 155) hoặc 7 năm với tội vu khống (Điều 156)."Nếu phát hiện đối tượng đăng tải hình ảnh của mình lên mạng với mục đích bôi nhọ, xuyên tạc, nói xấu, vu khống, người dân nên tập hợp đầy đủ các thông tin, hình ảnh đó để gửi đến cơ quan chức năng làm căn cứ, chứng cứ để cơ quan chức năng xem xét; tránh trường hợp các đối tượng gỡ, xóa bài viết, khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong quá trình xử lý. Ngoài ra, chúng ta phải biết tự bảo vệ mình trên mạng xã hội, tránh tiết lộ quá nhiều thông tin, hình ảnh để đối tượng xấu lợi dụng." - Luật sư Nguyễn Văn Hưng tư vấn thêm.

Mời quý vị và các bạn nghe toàn bộ phần tư vấn của luật sư Nguyễn Văn Hưng - Phó Giám đốc Công ty Luật hợp danh The light: