Mạng xã hội hiện nay là phương tiện kết nối, chia sẻ thông tin nhanh và hiệu quả. Để không gian mạng được thông suốt, lành mạnh, tại Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018 đã quy định về các hành vi bị cấm khi sử dụng không gian mạng, trong đó có việc thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Tuy nhiên thời gian qua có một số cá nhân sử dụng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ những thông tin sai sự thật, trái pháp luật.

# Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện bài đăng tố cáo diễn viên Hứa Vĩ Văn quỵt tiền của một người đàn ông chuyên làm công tác chăm sóc mộ phần tại nghĩa trang Triều Châu thuộc địa phận huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Người này nói được gia đình Hứa Vĩ Văn thuê đến trùng tu, dọn cỏ cho phần mộ ông bà nhưng chỉ ứng trước 400.000 đồng và sau đó không thanh toán số tiền công còn lại là 10 triệu đồng suốt 3 năm qua. Tuy nhiên, sau đó, người đàn ông trong clip thừa nhận đã nhầm lẫn và trách sai nam diễn viên. Chủ nhân kênh YouTube đăng tải clip cũng gửi lời xin lỗi Hứa Vĩ Văn và đã gỡ bỏ toàn bộ thông tin sai lệch, chưa có sự kiểm chứng từ các bên gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự, uy tín của nam diễn viên.

# Trước đó, Thanh tra Sở Thông tin - truyền thông Hà Nội vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tạp chí điện tử Môi Trường Xây Dựng 100 triệu đồng vì hoạt động sai tôn chỉ, mục đích; đăng tin sai sự thật khi cho rằng UBND phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội) không có động thái xử lý và có dấu hiệu buông lỏng quản lý để dẫn đến những sai phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn…

# Một tài khoản facebook đăng tải bài viết: “Lời cảnh tỉnh cho những ai chưa biết” có nội dung sai sự thật về lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tuần tra trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Tại cơ quan công an, người này đã thừa nhận việc đăng tải thông tin không đúng sự thật và cam kết sẽ không đăng tải, chia sẻ các thông tin sai sự thật lên mạng xã hội. Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao công an Thành phố đã chuyển hồ sơ sang sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội để xử phạt theo quy định.

Luật sư Nguyễn Văn Hưng - Phó Giám đốc Công ty Luật hợp danh The Light cho rằng: "Tung tin giả, thông tin sai sự thật là những hành vi mà pháp luật nghiêm cấm và tùy vào tính chất, mức độ vi phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào hậu quả của hành vi vi phạm, cơ quan chức năng có thể xem xét xử phạt hành chính hay hình sự."

Cụ thể, người có hành vi tung tin giả, thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Theo đó, chế tài xử lý là phạt tiền từ 10 triệu – 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện 1 trong các hành vi sau: cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức; danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Theo quy định tại Khoản 3, Điều 4, Nghị định 15, mức phạt này được áp dụng với hành vi vi phạm của tổ chức. Còn cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng ½ đối với tổ chức.

Rõ ràng quy định pháp luật đã đủ nhưng theo tôi nghĩ, để đảm bảo tính răn đe thì cần tăng mức phạt vi phạm. Có lẽ trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2020 theo hướng tăng mức phạt tiền, có thể gấp đôi hoặc gấp ba mức phạt tiền hiện nay.

Việc đăng tải thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân còn có thể bị xem xét xử lý theo quy định tại Điều 288, Bộ luật Hình sự 2015 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 30 triệu – 200 triệu, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng – 3 năm. Nếu phạm tội thuộc 1 trong các trường hợp là tổ chức lợi dụng quyền để quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông gây thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tiền từ 200 triệu – 1 tỷ đồng hoặc phạt tù 2 năm – 7 năm. Đồng thời, người vi phạm có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 triệu – 200 triệu, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm – 5 năm.

"Những người chia sẻ thông tin sai sự thật cũng bị áp dụng các chế tài xử phạt như đối với những người cung cấp, làm ra thông tin giả đó và mức xử lý là như nhau." - Luật sư Nguyễn Văn Hưng cho biết thêm.

Mời quý vị và các bạn cùng nghe toàn bộ cuộc trao đổi của luật sư Nguyễn Văn Hưng với phóng viên chương trình Cầm tay chỉ luật: