Thính giả Đặng Văn Nam ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định nêu câu hỏi:

Tôi có cho một người bạn vay 500 triệu đồng trong thời gian 6 tháng. Vì tin tưởng nên tôi cũng chỉ yêu cầu viết tay giấy nợ. Đến hẹn trả nợ, tôi gọi điện không thấy nghe máy, nhắn tin cũng không trả lời. Sau đó, tôi có tìm đến nhà nhiều ngày liên tiếp nhưng lúc nào cũng trong tình trạng cửa đóng then cài. Có gọi cũng không ai trả lời hay mở cửa. Đến nay là hơn 3 tháng rồi, tôi vẫn không có tin tức gì về bạn tôi. Vậy đây có phải là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không? Tôi muốn khởi kiện nhưng không biết giấy vay nợ viết tay thì có giá trị pháp lý không?

Luật sư Đinh Thị Chúc, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Hợp đồng vay tài sản: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Theo Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định nghĩa vụ của bên vay là: “1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Do đó, việc trả nợ đúng hạn là nghĩa vụ của người vay. Nếu người vay không trả nợ khi đến hạn, có hai trường hợp có thể xảy ra:

- Trường hợp 1: Người vay không trả nợ do không có khả năng chi trả và không có ý định lừa dối hoặc trốn tránh để chiếm đoạt tài sản, trong trường hợp này sẽ phát sinh tranh chấp dân sự. Bên cho vay có thể đưa vụ việc ra Tòa án dân sự để tiến hành khởi kiện.

- Trường hợp 2: Nếu người vay có khả năng trả nợ nhưng cố ý sử dụng thủ đoạn gian dối hoặc trốn tránh để chiếm đoạt tài sản, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Theo Luật sư Đinh Thị Chúc, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, trường hợp thính giả nêu thì người bạn của thính giả đã lợi dụng sự tin tưởng để vay tiền sau đó dùng thủ đoạn gian dối để trốn tránh trả nợ nhằm chiếm đoạt tài sản, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng khi đến hạn trả nợ thì cố tình không trả nợ. Đây là những hành vi có dấu hiệu vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh đó, theo các quy định tại điều 116, 117, 463 Bộ luật dân sự thì việc vay mượn tiền là giao dịch dân sự. Giấy vay tiền viết tay là một hợp đồng vay tài sản, khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thì giấy vay tiền viết tay có giá trị pháp lý và ràng buộc các bên trong giấy vay tiền viết tay phải thực hiện nghĩa vụ của mình.

Giấy vay tiền không thuộc trường hợp bắt buộc phải công chứng nhưng phải đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự dưới đây thì mới có giá trị pháp lý:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Đối chiếu với các quy định trên, thính giả cần kiểm tra giấy vay tiền và xác định giấy vay tiền đủ điều kiện có hiệu lực pháp luật hay không. Đồng thời, cần lưu các tài liệu, bằng chứng về việc đã quá hạn trả nợ nhưng không liệu lạc được với người vay (như đến nhà nhiều lần không gặp, gọi điện, nhắn tin không trả lời).

Thính giả có thể gửi văn bản yêu cầu trả nợ gửi đến người vay qua hình thức thư điện tử hoặc chuyển phát nhanh và ấn định thời hạn nhất định để người vay phải hoàn thành nghĩa vụ trả nợ. Nếu người vay vẫn không có bắt cứ phản hồi gì khi quá hạn thì thính giả có thể chuẩn bị toàn bộ hồ sơ tài liệu liên quan (gồm: giấy vay tiền, tài liệu về việc đã giao và người vay đã nhận tiền khoản tiền vay như giấy giao nhận tiền hoặc sao kê tài khoản ngân hàng, tài liệu chứng minh việc quá hạn mà người vay không trả nợ dù đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu). Sau đó, cân nhắc khởi kiện tại Tòa án để giải quyết bằng trình tự thủ tục pháp luật dân sự hoặc yêu cầu cơ quan công an có thẩm quyền giải quyết do có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với Luật sư Đinh Thị Chúc, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội