Đối thoại là cầu nối gần nhất, hiệu quả gắn kết doanh nghiệp và chính quyền. Với doanh nghiệp, đây là kênh để phản ánh các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đưa ra các kiến nghị nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Thông qua hình thức hoạt động này, chính quyền hiểu rõ hơn tâm tư, nguyện vọng và những vướng mắc của doanh nghiệp, tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Chính quyền địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp

Mới đây, Thường trực Thành ủy Hải Phòng tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp với chủ đề “Doanh nghiệp Hải Phòng đoàn kết, tự hào, tự cường và phát triển bền vững”. 600 doanh nghiệp đại diện cho 26 nghìn doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng tham dự đối thoại.

Hội nghị trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề như: khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ; đất đai; quy hoạch, xây dựng; dịch vụ logistic, dịch vụ hậu cần sau cảng; hỗ trợ chia sẻ, kết nối sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài; thuế, hỗ trợ tín dụng, lãi suất, vốn vay…

Tại Hội nghị, ông Đỗ Hữu Huỳnh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Hải Phòng kiến nghị nghị Thành ủy, UBND thành phố nghiên cứu ban hành Nghị quyết phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp Hải Phòng; thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp Hải Phòng để có nguồn lực tài chính đầu tư cho các doanh nhân trẻ khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khi có sản phẩm tốt sản phẩm thực tiễn, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp vươn lên và phát triển.

Theo UBND TP Hải Phòng, tính đến hết tháng 7/2023, thành phố Hải Phòng có hơn 26.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có trên 25.700 doanh nghiệp khu vực tư nhân. Đến nay, doanh nghiệp khu vực tư nhân đã tham gia hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong GRDP và đóng góp quan trọng cho ngân sách thành phố.

Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng nhấn mạnh lãnh đạo thành phố cam kết, sẽ dành sự quan tâm đặc biệt, sự hỗ trợ thực chất, hiệu quả để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Hải Phòng thật sự lớn mạnh.

"Lãnh đạo Thành phố cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp; tăng tốc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính. Việc này tập trung vào đẩy mạnh việc chuyển đổi số tiến tới việc thực hiện các thủ tục hành chính thông qua môi trường mạng một cách công khai, minh bạch, để người dân và doanh nghiệp có thể theo dõi, giám sát kết quả giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời, tạo sự bình đẳng công bằng giữa các doanh nghiệp, không có cơ hội cho sự ưu ái không trong sáng trong giải quyết thủ tục hành chính", ông Lê Tiến Châu khẳng định.

Giải pháp để thúc đẩy đầu tư

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức 5 lần gặp gỡ, họp mặt và tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Lâm Văn Mẫn - Bí thư tỉnh Sóc Trăng cho biết, qua tiếp xúc, địa phương đã hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư dự án. Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng cho rằng đối thoại với doanh nghiệp là một trong những giải pháp cần thiết để thúc đẩy đầu tư.

"Các ngành, các cấp phải thật sự quyết tâm, quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hiệu lực, hiệu quả thực thi thể chế, chính sách, pháp luật; tăng cường đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp; luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ và tích cực quyết liệt giải quyết, xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp", Bí thư tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh.

TS. Trần Minh Sơn, Trưởng Văn phòng Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành nhận định, nhiều doanh nghiệp “thuộc lòng” Luật doanh nghiệp nhưng áp dụng vẫn bị sai. Vì vậy, cần có nhiều diễn đàn đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Ông Sơn cũng cho rằng, cơ quan báo chí nên chuyên mục tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp phản ánh tới các cơ quan chức năng và phản ánh thực tế thực thi pháp luật của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần xây dựng được đội ngũ luật sư tư vấn giỏi, tốt; các doanh nghiệp lựa chọn được các luật sư đồng hành cùng mình trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Những cuộc đối thoại giữa chính quyền với các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo tinh thần cầu thị, thẳng thắn và giải quyết hiệu quả các vấn đề đặt ra đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp với phương châm “Chủ trương đúng - Đồng thuận cao - Hành động quyết liệt” góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Nghe Audio tại đây: