Gửi thư về Đài TNVN, chị Phạm Thị Vũ Hằng 38 tuổi ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên trình bày trường hợp với nội dung như sau: "Năm 2003 tôi thi đỗ Cao Đẳng Sư Phạm Hưng Yên trong chỉ tiêu đi học của huyện Kim Động - tỉnh Hưng Yên. Năm 2005 tôi ra trường và về quê giảng dạy với mức lương 480.000 đồng/tháng. Thời gian giảng dạy đến nay là được 16 năm và mức lương hiện tại là 2,3 triệu đồng chưa trừ bảo hiểm. Tôi được thông báo đến 31/12/2020 tới đây, chúng tôi sẽ bị cắt hợp đồng. Vậy là đúng hay sai?"

Về trường hợp này của chị Hằng, luật sư Nguyễn Hữu Toại - Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho rằng: Giáo viên là công việc không phải theo mùa vụ, đó có thể là HĐLĐ xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn. Nếu ký HĐLĐ xác định thời hạn thì chỉ được ký HĐLĐ có thời hạn 1 lần, những lần sau phải ký HĐLĐ không xác định thời hạn.

Còn về việc cô giáo Hằng, sau 16 năm công tác, cô chỉ hưởng lương là 2.300.000 đồng. Luật sư Nguyễn Hữu Toại cho biết: Theo quy định của pháp luật về tiền lương, cụ thể là Nghị định số 90/2019 của Chính phủ quy định về tiền lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 01/01/2020, mức lương tối thiểu được áp dụng tại huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên là 3.430.000 đồng. Vì sao cô Hằng công tác 16 năm mà chỉ được hưởng mức lương 2.300.000 đồng thì phải chờ vào kết luận của cơ quan chức năng.

Nếu trường hợp nhà trường sa thải giáo viên vì các lý do không chính đáng sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động. Cụ thể như sau:

"Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước".