Thạc sĩ luật học Nguyễn Đức Ngọc - Giẩng viên khoa Pháp luật Kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội giúp các bạn tìm hiểu các quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi

PV: Trên sổ, thẻ tiết kiệm của người dân thường có dòng chữ, khoản tiền này đã được bảo hiểm. Vậy người dân phải hiểu BHTG là như thế nào, thưa thạc sỹ luật học Nguyễn Đức Ngọc, giảng viên Khoa Pháp luật kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội?

Thạc sĩ Nguyễn Đức Ngọc: Theo Hiệp hội BHTG Quốc tế (IADI), khái niệm BHTG được hiểu là: “một hệ thống được thiết lập để bảo vệ người gửi tiền khỏi những tổn thất về tiền gửi được bảo hiểm của họ trong trường hợp tổ chức nhận tiền gửi không thể hoàn thành các nghĩa vụ nợ theo cam kết đối với người gửi tiền”.

Tại Khoản 1 Điều 4 Luật BHTG đã quy định khái niệm BHTG như sau: “BHTG là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được BHTG trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.”

Như vậy, có thể hiểu BHTG là một cam kết công khai của Tổ chức BHTG về việc sẽ hoàn trả một phần hoặc toàn bộ tiền gửi được bảo hiểm (bao gồm cả gốc và lãi) cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG bị mất khả năng thanh toán hoặc chấm dứt hoạt động.

PV: Chúng tôi cũng được biết là hiện nay ở nước ta có tổ chức BHTGVN. Vậy BHTGVN hoạt động có giống như các công ty bảo hiểm thương mại không, thưa ông?

Thạc sĩ Nguyễn Đức Ngọc: Theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 Luật BHTG, “ Tổ chức BHTG là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách BHTG, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.”

Như vậy, Tổ chức BHTG là tổ chức tài chính được giao thực hiện chính sách công về BHTG. Ở Việt Nam hiện nay, có duy nhất 01 tổ chức BHTG là BHTGVN- tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách BHTG, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

BHTG và các loại hình bảo hiểm thương mại có những nét khác biệt cơ bản như sau:

Tiêu thức Bảo hiểm tiền gửi Bảo hiểm thương mại

Tính chất hoạt động

Hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Kinh doanh với mục đích sinh lợi.

Cơ chế bảo hiểm

Thông thường, các tổ chức tín dụng có nhận tiền gửi phải tham gia bảo hiểm tiền gửi theo cơ chế bắt buộc được pháp luật quy định Cơ chế tự nguyện, theo thỏa thuận

Hợp đồng bảo hiểm

Giữa tổ chức BHTG và tổ chức tham gia BHTG không ký kết hợp đồng bảo hiểm. Tổ chức bảo hiểm ký kết hợp đồng bảo hiểm với tổ chức, cá nhân có nhu cầu được bảo hiểm.

Đối tượng được bảo hiểm

Được xác định theo các quy định pháp luật. Được xác định theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Đối tượng nộp phí bảo hiểm

Được xác định theo quy định pháp luật của từng quốc gia. Tại Việt Nam, trừ ngân hàng chính sách, các TCTD có nhận tiền gửi của người dân đều bắt buộc phải tham gia BHTG và chịu trách nhiệm đóng phí dựa trên tổng số dư tiền gửi tại các tổ chức đó theo tỷ lệ do pháp luật quy định. Tổ chức, cá nhân ký hợp đồng bảo hiểm với tổ chức bảo hiểm.

Người được thụ hưởng tiền bảo hiểm

Được xác định theo quy định pháp luật của từng quốc gia. Tại Việt Nam, người được BHTG là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG Người được chỉ định thụ hưởng trong hợp đồng bảo hiểm.

PV: Thưa thạc sỹ luật học Nguyễn Đức Ngọc! Với những khác biệt cơ bản so với các loại hình bảo hiểm thương mại khác như ông đã phân tích ở trên thì BHTGVN đang hoạt động theo mô hình nào?

Thạc sĩ Nguyễn Đức Ngọc: Theo Quyết định số 527/QĐ-TTg ngày 01/04/2016 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ về tổ chức và hoạt động của BHTGVN ban hành kèm theo Quyết định số 1395/QĐ-TTg ngày 13/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ, BHTGVN là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Ngân hàng Nhà nước thực hiện các quyền, nghĩa vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với BHTGVN theo quy định tại Luật BHTG, Nghị định số 68/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHTG và các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

PV: Vậy chúng tôi có thể hiểu BHTGVN là phao cứu sinh cho người gửi tiền khi ngân hàng hay quỹ tín dụng nơi chúng tôi gửi tiền bị phá sản hoặc mất khả năng chi trả phải không ạ? Tất nhiên chúng ta không ai muốn mất tiền gửi tại ngân hàng nhưng rõ ràng trong tình huống xấu nhất, quyền lợi của người gửi tiền vẫn được BHTGVN bảo đảm?

Thạc sĩ Nguyễn Đức Ngọc: BHTG là một trong những biện pháp phòng ngừa rủi ro cho người gửi tiền, theo đó: “Người được bảo hiểm sẽ được bảo hiểm số tiền gửi của mình tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi” ,“được nhận tiền bảo hiểm đầy đủ và đúng thời hạn” theo quy định tại Điều 11 Luật BHTG.

Mặt khác, tổ chức BHTG cũng sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người được BHTG thông qua các biện pháp nghiệp vụ như:

- Theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi;

- Tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nhằm phát hiện và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng;

- Tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia BHTG theo quy định của NHNN. (Khoản 9, khoản 10 và khoản 13 Điều 13 Luật BHTG)

PV: Vâng, vậy để đảm bảo cho các hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHTG thì BHTGVN lấy nguồn lực tài chính từ đâu và chịu sự kiểm tra giám sát như thế nào?

Thạc sĩ Nguyễn Đức Ngọc: Theo Điều 30 Luật BHTG và Điều 11 Nghị định 68/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHTG, nguồn lực tài chính của tổ chức BHTGVN được bảo đảm từ các nguồn:

-Vốn điều lệ của tổ chức BHTG do ngân sách nhà nước cấp;

-Nguồn thu từ phí BHTG;

-Nguồn thu từ hoạt động đầu tư vốn tạm thời nhàn rỗi của tổ chức BHTG;

-Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

Trường hợp nguồn vốn của tổ chức BHTG tạm thời không đủ để trả tiền bảo hiểm, tổ chức BHTG được tiếp nhận hỗ trợ theo nguyên tắc có hoàn trả từ ngân sách nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc được vay của TCTD, tổ chức khác có bảo lãnh của Chính phủ.

PV: Xin cảm ơn ông.