Điểm a, Khoản 1, Điều 10 Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định cảnh sát giao thông có quyền giám sát việc chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ và các quy định khác của pháp luật có liên quan của người và phương tiện tham gia giao thông để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Thông tư 65/2020/TT-BCA cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện giao thông để kiểm tra trong các trường hợp sau:

- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;

- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;

- Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Như vậy, bất kỳ ai tham gia giao thông đều có thể bị kiểm tra nồng độ cồn khi cảnh sát giao thông thực hiện quyền hạn trong những trường hợp trên.

"Đối với hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người thi hành công vụ, ngoài việc bị phạt tiền tới 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, thì người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng." - Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội cho biết.

Khoản 1 Điều 20 Thông tư 65/2020/TT-BCA và Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 quy định trường hợp người vi phạm không ký vào biên bản, cụ thể:

- Nếu chủ phương tiện không ký xác nhận vào biên bản xử phạt thì CSGT sẽ lấy chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc xác nhận việc người vi phạm không ký vào biên bản của ít nhất 01 người chứng kiến.

- Nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì cần cùng phải ký vào biên bản; trường hợp người vi phạm vì lý do khách quan hoặc chủ quan không có mặt tại nơi vi phạm nên không ký vào biên bản thì Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông mời đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc 02 người chứng kiến ký vào biên bản.

- Trường hợp người vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại từ chối ký thì cán bộ Cảnh sát giao thông phải ghi rõ lý do vào biên bản và phải báo cáo thủ trưởng đơn vị bằng văn bản để làm cơ sở cho người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử phạt.

Như vậy, trong trường hợp người vi phạm không ký vào biên bản, CSGT sẽ lấy chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc xác nhân của ít nhất 01 người chứng kiến. Ngoài ra, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP không có quy định nào về việc không chịu ký vào biên bản xử phạt sẽ bị xử lý thêm về lỗi khác.