Mới đây, dư luận xôn xao về việc chị V.A, trú tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh giúp đưa một phụ nữ bị tai nạn giao thông vào bệnh viện, nhưng sau đó bị người nhà của người phụ nữ này tố chị chính là người gây ra tai nạn. Vì thế, chị bị cơ quan chức năng triệu tập để làm rõ vụ việc. Bức xúc vì “làm ơn, mắc oán”, chị V.A đã đăng chuyện này trên trang cá nhân của mình.

Thực tế đã có nhiều trường hợp như chị V.A, cứu giúp người bị tai nạn giao thông nhưng bị gia đình nạn nhân hiểu lầm thành người gây tai nạn, không chỉ bị kiện, bị đòi bồi thường, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng như trường hợp anh Nguyễn Hải Sơn, ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Anh Sơn kể hôm đó, anh vừa bước ra cửa thì thấy một cô gái điều khiển xe máy va chạm với chiếc taxi đi cùng chiều. Anh vội cùng lái xe taxi đưa cô gái vào bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Thành cấp cứu. Một lúc sau, người thân của nạn nhân đến bệnh viện. Một người trong số đó bất ngờ rút dao ra đâm anh Sơn một nhát vào ngực sau đó bỏ trốn: "Lúc đó họ hành động như vậy mình không nhớ được ai, kể cả người mình đưa đi cấp cứu mình cũng không nhớ được. Bị tai nạn thì mình cứu người thôi. Mình thấy rất đáng buồn."

Nhiều sự việc “làm ơn mắc oán” xảy ra khi cứu giúp người bị nạn đã khiến cho một số người dân lo lắng, không muốn vướng phải những rắc rối pháp lý như vậy. Chị Nguyễn Thanh Hương ở quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: "Nói thật nếu gặp người bị tai nạn trên đường, không biết tôi có thể đưa họ đi cấp cứu được không. Không phải tôi vô cảm mà là vì đã có nhiều trường hợp giúp người bị nạn xong bị quy chụp thành người gây tai nạn, giúp người bị nạn nhưng lại gặp kẻ bất lương dàn cảnh để ăn vạ. Nhẹ hơn chút là bị cơ quan công quyền làm khó dễ. Nói chung là tôi mất lòng tin, nên không muốn vì cứu người mà lại phải mang họa vào thân."

Thấy người bị nạn không cứu thì không những lương tâm day dứt, mà có trường hợp còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khoản 18 Điều 8, Luật Giao thông đường bộ 2008, quy định nghiêm cấm hành vi khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cụ thể là phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân, 1-2 triệu đồng đối với tổ chức không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu. Luật sư Nguyễn Văn Hưng – Giám đốc Công ty Luật Phúc Khánh Hưng cho biết trường hợp gặp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, người có điều kiện mà không cứu còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng được quy định tại Điều 132, Bộ luật Hình sự: "Người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, hoặc cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm."

Luật sư Nguyễn Văn Hưng cho rằng, người cứu giúp người bị tai nạn giao thông cần hiểu rõ quy định pháp lý và có thể sử dụng những cách khác nhau để vừa có thể cứu giúp người bị nạn vừa tránh “làm ơn mắc oán”: "Hô hoán để nhiều người cùng tham gia cứu giúp người bị nạn. Nếu không có ai khác thì nên đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất và thông báo đến cơ quan chức năng để giữ hiện trường, làm cơ sở minh oan cho mình."

Người nhà nạn nhân cũng nên giữ bình tĩnh, tìm hiểu kỹ sự việc để tránh hiểu lầm ân nhân thành hung thủ. Bởi những phản ứng quá khích, tiêu cực của người nhà nạn nhân chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người không dám cứu giúp người bị nạn và như thế, có thể xảy ra những hậu quả đáng tiếc./.