Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được thông qua với 476/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023.

Để Luật Sở hữu trí tuệ và các Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan mà Việt Nam đã tham gia thực sự đi vào cuộc sống, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa, sáng nay, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị - Hội thảo hướng dẫn, phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, tuyên truyền, phổ biến nội dung cơ bản của Hiệp ước về quyền tác giả của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WCT), Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WPPT) và lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Hoàng- Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra nhiều cơ hội, đưa đến nhiều công cụ sáng tạo mới, đồng thời tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. Tuy nhiên, môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan, nhất là trong bối cảnh hành vi vi phạm bản quyền trên không gian mạng có sự tham gia của nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau, gây khó khăn cho việc xác định và xử lý hành vi vi phạm trong thẩm quyền tài phán quốc gia. Vì vậy, hội thảo được tổ chức nhằm phổ biến các quy định pháp luật mới; trao đổi, thảo luận góp ý cho việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực này. Từ đó góp phần đưa Luật đi vào cuộc sống, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, việc sáng tạo, truyền bá và lưu trữ tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng dưới hình thức số hóa dần trở nên phổ biến, tuy nhiên vi phạm quyền tác giả trên mạng internet cũng ngày một nghiêm trọng hơn. Do vậy, các Hiệp ước trên môi trường số ra đời đã góp phần giải quyết những thách thức đặt ra bởi công nghệ kỹ thuật số hiện nay, không chỉ trong phạm vi một quốc gia mà cả trên phạm vi quốc tế.

"Ngày 17/02/2022 Việt Nam gia nhập và là thành viên của Hiệp ước về quyền tác giả của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WCT); từ ngày 01/7/2022 là thành viên của Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WPPT). Việc tham gia 2 Hiệp ước WCT và WPPT góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam với tư cách là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi số hiện nay. Các quy định cơ bản của 2 Hiệp ước này cũng đã được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ và việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã làm rõ, quy định chi tiết nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường số, đảm bảo cho việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan thuận lợi hơn", bà Oanh chia sẻ.

Cũng theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Luật mới có nhiều quy định nhằm siết chặt quản lý, buộc các bên liên quan phải thực thi Quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan. Với những quy định này, bà Phạm Thị Kim Oanh khẳng định sẽ không có chuyện các bên vô tư khai thác tác phẩm mà không đoái hoài gì đến lợi ích của các tác giả. "Nhưng Luật cũng không hạn chế sự tiếp cận của người dân với những tác phẩm văn học – nghệ thuật một cách hợp pháp. Đặc biệt, Luật cũng có một số ngoại lệ dành cho người khuyết tật nhằm tăng cơ hội được tiếp cận tri thức với đối tượng gặp nhiều thiệt thòi này”.

Chia sẻ ý kiến tại hội thảo, ông Đỗ Ngọc Sơn- đại diện Nhà xuất bản Giáo dục cho rằng: Quyền tác giả nói chung và quyền tác giả trong hoạt động xuất bản nói riêng ở Việt Nam đã được nhắc đến từ rất lâu. Tuy nhiên, những xâm phạm quyền tác giả thì không hề giảm mà ngày càng nhiều hơn mặc dù ở Việt Nam đã có đầy đủ những quy định của pháp luật trong lĩnh vực này. Dạng xâm phạm phổ biến, dai dẳng nhất đó là “sách lậu”. Sách lậu được xuất bản không chỉ là sách nhái, sách giả, sách xuất bản không có hợp đồng với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm... mà còn không trung thực về số lượng bản in.

"Sách lậu vẫn đang tồn tại song song với sách thật và gây nhiều hệ lụy cho xã hội như: làm thiệt hại đến lợi ích của người sáng tạo, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất bản phẩm và nhu cầu xã hội. Chúng tôi cũng thường xuyên bị vi phạm tác quyền và mặc dù đơn vị đã nhiều lần đề xuất xử lý nhưng trên thực tế chưa xử lý được trường hợp nào", ông Đỗ Ngọc Sơn nêu thực tế.

Tại Hội thảo, các chuyên gia trong lĩnh vực cùng các bên liên quan đã đóng góp nhiều ý kiến để việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đi vào thực chất, hiệu quả. Ngoài ra, những góp ý về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan cũng sẽ được gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, nghiên cứu, sớm hoàn thiện tờ trình trình Chính phủ.