Chị Nguyễn Thu Hà ở Quận Long Biên, Hà Nội có 2 con đang học Trung học cơ sở trên địa bàn. Mấy ngày qua số điện thoại của chị thường xuyên nhận được điện thoại mời đăng ký lớp học tiếng Anh cho con từ nhiều trung tâm khác nhau. Thời gian đầu chị còn lịch sự từ chối khéo, nhưng khi bị làm phiền liên tục, chị đã rất khó chịu: "Chẳng biết vì sao mà họ còn nói đúng tên phụ huynh, tên con, học lớn mấy rồi chào mời. Mới nghe thì cứ tưởng cô giáo, sau mới biết họ mời tham gia cái nọ, mời cho con học cái kia. Cứ bị làm phiền nhiều quá cũng bực mình." - Chị Hà chia sẻ.

Cũng nhiều lần nhận được điện thoại từ các Trung tâm khác nhau gọi đến, anh Nguyễn Mạnh Quân – phụ huynh 1 học sinh Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội đã không giữ được bình tĩnh: "Đang họp hoặc đang lái xe, điện thoại cứ đổ chuông liên hồi. Khi nghe máy thì đầu dây bên kia giới thiệu là người của trung tâm thử hỏi ai mà không bực được. Lúc thì bảo anh không có nhu cầu, nhưng nhiều khi cứ bị làm phiền quá lại bảo rằng, con anh đã lấy vợ rồi, các em đừng phiền anh nữa…."

Hầu hết phụ huynh không chỉ bức xúc vì thường xuyên bị các cuộc điện thoại mời chào, tư vấn làm phiền mà họ còn băn khoăn, đặt câu hỏi tại sao các trung tâm lại có số điện thoại, biết rõ họ là ai, làm nghề gì và ở đâu? Thậm chí, chỉ cần vào internet, bấm cụm từ: “mua số điện thoại phụ huynh học sinh”, phóng viên đã có trong tay không ít số điện thoại với tên học sinh, tên lớp, tên trường. Thử gọi điện đến số máy 098.424… mà chúng tôi tìm được trên mạng xã hội, là phụ huynh em Ngô Phạm H.A học lớp 6A của một trường THCS có địa chỉ ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, số điện thoại trùng khớp.

Không thể dễ dàng tìm ra chứng cứ nguồn rò rỉ dữ liệu cá nhân nhưng trên mạng xã hội không khó tìm được vô số nhóm với các tài khoản rao bán đủ loại thông tin khách hàng (còn gọi là "data khách hàng") thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có nhóm mua bán data của phụ huynh học sinh với cả ngàn thành viên.

Có thể, những cuộc gọi điện thoại đến cho các phụ huynh của các Trung tâm chỉ là chào mời, không có ý đồ xấu, thế nhưng khi thông tin cá nhân của phụ huynh được mua bán dễ dàng, có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường như sự việc lừa đảo thông báo con bị tai nạn rộ lên cách đây không lâu.

Đặt câu hỏi về việc mua bán data nói chung và mua bán dữ liệu cá nhân của phụ huynh học sinh nói riêng, ông Lê Thanh Tùng – Chuyên gia An ninh mạng cho biết: Nguồn thông tin hiện nay đang chưa được bảo đảm an toàn. Bất cứ ai chỉ cần biết về công nghệ thông tin một chút là có thể tổng hợp được rất nhiều nguồn thông tin khác nhau một cách dễ dàng. Với những nguồn có được, không ít người đã đem đi bán với mức chi phí rất rẻ và không ai xử lý.

Pháp luật đã có quy định xử lý đối với những đối tượng làm lộ thông tin cá nhân của người khác, thế nhưng hiện chưa có một vụ án nào liên quan đến mua bán bí mật thông tin cá nhân được đưa ra xét xử là nguyên nhân khiến tội phạm mạng dùng mọi cách lấy được thông tin cá nhân của phụ huynh học sinh nói riêng và của người dân nói chung. Trước tình trạng này, rất cần Bộ Công an vào cuộc để ngăn chặn kịp thời tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân tràn làn như đã và đang diễn ra/.

Mời quý vị và các bạn nghe chia sẻ của các nhân vật và chuyên gia tại đây: