Nhiều người không hiểu rõ các quy định pháp luật hay vì mục đích trục lợi cho bản thân mà đã thực hiện các hành vi phạm tội liên quan đến hối lộ.

# Ngày 21/6, Cơ quan điều tra xác định ông Nguyễn Duy Linh, cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, có hành vi nhận hối lộ từ Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) nên chuyển hồ sơ sang viện kiểm sát đề nghị truy tố tội nhận hối lộ.

# Ngày 1/6, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt Đỗ Văn Khoa (cựu kiểm sát viên thuộc Viện Kiểm sát nhân dân huyện Ba Vì, Hà Nội) 3 năm tù về tội nhận hối lộ. Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự, Đỗ Văn Khoa đã nhận của bị cáo 20 triệu đồng và 13 quả trứng đà điểu để chạy án.

# Trước đó, ngày 19/5, trong lúc thi hành nhiệm vụ, tổ công tác C3-911, Công an thành phố Đà Nẵng đã phát hiện 2 thanh niên có biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện hai đối tượng có nhiều bằng chứng liên quan đến việc cho vay lãi xuất cao, uy hiếp đòi nợ và đánh bạc dưới hình thức số đề. Đáng nói, khi cảnh sát đang làm rõ hành vi cho vay lãi suất cao, uy hiếp con nợ của 2 đối tượng này thì các đối tượng đã rút ra 150 triệu đồng để hối lộ, xin lực lượng 911 thả người nhưng không thành.

Để giúp quý vị và các bạn hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về tội đưa và nhận hối lộ, phóng viên chương trình Cầm tay chỉ luật đã có cuộc trao đổi luật sư Vũ Thị Mai Phương – Giám đốc Công ty Luật TNHH Sunlight.

Theo luật sư Vũ Thị Mai Phương, hành vi được coi là tội đưa hối lộ là hành vi đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào cho người có chức vụ, quyền hạn để họ làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất đó.

Còn hành vi nhận hối lộ là người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Lợi ích đó có thể là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng (nhưng người nhận hối lộ đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục Các tội phạm về tham nhũng Chương Các tội phạm về chức vụ, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm); Lợi ích phi vật chất.

Hành vi nhận hối lộ được xem là hoàn thành khi người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc đồng ý (chấp nhận) việc nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất, lợi ích phi vật chất của người đưa hối lộ nhằm đạt hoặc sẽ đạt mục đích của người đó.

Luật sư Vũ Thị Mai Phương cho biết, người có hành vi đưa hối lộ cho người khác sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 364 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017, cụ thể:

- Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; Lợi ích phi vật chất.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 02 lần trở lên; Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

- Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

- Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Đối với người nhận hối lộ, Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định:

- Người phạm tội nhận hối lộ bị phạt tù từ 02 - 07 năm.

- Nếu phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau thì bị phạt tù từ 07 - 15 năm: Có tổ chức; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn; Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; Gây thiệt hại về tài sản từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng; Phạm tội 02 lần trở lên; Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước; Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

- Phạt tù từ 15 năm đến 20 năm khi của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; Gây thiệt hại về tài sản từ 3 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng.

- Người phạm tội có thể bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình khi của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên.

- Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

- Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ cũng bị xử lý theo các quy định vừa nêu.

Mời quý vị và các bạn nghe toàn bộ cuộc trao đổi của phóng viên chương trình với luật sư Vũ Thị Mai Phương - Giám đốc Công ty Luật TNHH Sunlight: