Trong báo cáo tóm tắt tổng kết Nghị quyết số 42 tại nghị trường Quốc hội Khóa XV ngày 24/5 do Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày đã cho thấy áp lực nợ xấu trong thời gian tới tiếp tục là vấn đề cần quan tâm và theo dõi sát sao. Theo Ủy ban Kinh tế, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) có xu hướng gia tăng; trong trường hợp đánh giá một cách thận trọng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 6,31%, ở mức cao so với tổng dư nợ. Nợ xấu chưa xử lý theo Nghị quyết số 42 đến 31/12/2021 vẫn ở mức cao là 412,7 nghìn tỷ đồng.

Điểm lại kết quả xử lý nợ xấu, báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho biết: Kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42: Lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42 có hiệu lực.

Từ khi có hiệu lực thi hành, Nghị quyết 42/2017/QH14 đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, qua đó củng cố niềm tin của xã hội đối với công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc, thực trạng nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro. Đối với nợ xấu nói chung, xử lý bằng dự phòng rủi ro còn chiếm tỷ lệ cao; một số lĩnh vực có số nợ xấu chiếm tỷ trọng cao so với nợ xấu của toàn hệ thống như: bất động sản (chiếm 18,4%); cho vay tiêu dùng (chiếm 25,8%); BOT, BT giao thông (3,92%)...

“Kinh tế thế giới giai đoạn 2021-2025 được dự báo diễn biến khó lường, lạm phát gia tăng, xung đột Nga – Ukraine, Đại dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng và tác động tới kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, không trả được nợ ngân hàng, bởi vậy nợ xấu có xu hướng tăng trong thời gian tới” – Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định.

Do đó, theo Ủy ban Kinh tế, có ý kiến đề nghị nghiên cứu lộ trình, sớm dừng quy định cho phép cơ cấu nợ nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ hết hiệu lực vào ngày 15/8/2022, việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Điều này sẽ làm kéo dài quá trình xử lý nợ xấu đồng thời không khuyến khích được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Do đó, chính phủ đề xuất với Quốc hội tiếp tục kéo dài duy trì cơ chế, chính sách tại Nghị quyết số 42 đến ngày 31/12/2023. Đồng thời đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Ngoài ra, trước áp lực nợ xấu dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ, NHNN có các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất, kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng “nóng” vào các tài sản tiềm ẩn rủi ro cao cũng như xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động cho vay, đầu tư vào các tài sản này. Mặt khác, cần tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường tính minh bạch, nâng cao khả năng quản trị điều hành, quản trị rủi ro, tăng cường năng lực tài chính nhằm bảo đảm các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về an toàn vốn và quản trị vốn.

"Uỷ ban Kinh tế nhận thấy rằng việc xây dựng khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu và Tài sản bảo đảm trong thời gian tới là hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tạo được động lực thúc đẩy xử lý nợ xấu. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan nghiên cứu, đề xuất nội dung luật hóa cùng với việc tổng kết, sửa đổi, hoàn thiện Luật Các Tổ chức tín dụng và các luật khác có liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm trình Quốc hội chậm nhất vào kỳ họp đầu năm 2023" - Ông Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến.