Theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm: Thực phẩm chức năng (TPCN) là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học

Luật Dược quy định: Thuốc là chế phẩm có chứa dược chất hoặc dược liệu dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh, Điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, Điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người bao gồm thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vắc xin và sinh phẩm.

Như vậy, TPCN không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Ông Lê Hoàng - Trưởng phòng Quản lý sản phẩm thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho hay: "Hiện nay ở nước ta, thực phẩm chức năng bao gồm: thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm bổ sung. Để phân biệt là loại thực phẩm nào phải căn cứ vào bản chất sản phẩm, thông tin ghi nhãn: nhóm sản phẩm (trên nhãn phải ghi nhóm sản phẩm: thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học), công dụng, đối tượng sử dụng, cách dùng."

Không phải nơi nào cũng có thể kinh doanh TPCN mà cần có những yêu cầu cụ thể như:

- Cơ sở kinh doanh thực phẩm phải có ngành nghề liên quan đến thực phẩm;

- Chỉ được kinh doanh, phân phối các sản phẩm Thực phẩm chức năng khi các sản phẩm này được tự công bố (đối với thực phẩm bổ sung) hoặc được cấp giấy Tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (đối với thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học);

- Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học trước khi quảng cáo phải đăng ký nội dung quảng cáo theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và chỉ được tiến hành quảng cáo sản phẩm đã được cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo và chỉ được quảng cáo phù hợp với nội dung đã được xác nhận.

"Theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, TPCN không phải thử nghiệm hiệu quả về công dụng của trên người. Để chứng minh công dụng của sản phẩm phải có các Bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm hoặc của thành phần tạo nên công dụng đã công bố. Khi sử dụng bằng chứng khoa học về công dụng thành phần của sản phẩm để làm công dụng cho sản phẩm thì liều sử dụng hàng ngày của sản phẩm tối thiểu phải lớn hơn hoặc bằng 15% lượng sử dụng thành phần đó đã nêu trong tài liệu. Bằng chứng khoa học là các thông tin, tài liệu khoa học từ các công trình nghiên cứu khoa học được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về nghiên cứu khoa học nghiệm thu hoặc được các tạp chí khoa học trong, ngoài nước công bố hoặc tài liệu về y học cổ truyền, cây thuốc, vị thuốc được công bố trên các ấn bản khoa học." - ông Lê Hoàng cho biết thêm.

Hiện nay, thực phẩm chức năng được quản lý như thế nào? Chúng ta đã có những văn bản quy phạm pháp luật nào liên quan đến việc quản lý thực phẩm chức năng?... Mời quý vị và các bạn cùng nghe phần tư vấn của ông Lê Hoàng – Trưởng phòng Quản lý sản phẩm thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế tại đây: