Đó là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội đề cập trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 30/5 về công tác thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch từ khi luật Quy hoạch 2017 có hiệu lực từ 1/1/2019.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) cho biết, theo quy định, các quy hoạch này phải được công khai trên cổng thông tin của các tỉnh, thành, huyện... “Nhưng thực tế, việc này được làm "rất hình thức", chưa đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân. Nhiều quy hoạch được công bố chỉ có quyết định mà không có bản đồ kèm theo, hoặc nếu có thì bản đồ nhỏ, dung lượng thấp không thể xem rõ nội dung. Những gì dân muốn biết, dân cần thực sự rất khó tiếp cận"- Đại biểu Lê Thanh Hoàn nhấn mạnh.
Theo đại biểu Lê Thanh Hoàn, việc công khai thông tin quy hoạch mang tính hình thức là một trong những nguyên nhân khiến thông tin nhiễu loạn, dẫn đến sốt đất ảo và hiện tượng đầu cơ trên thị trường. Một số trường hợp xảy ra khiếu kiện về đất đai còn có thể gây mất an ninh trật tự tại một số địa phương. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm lại chưa được thực hiện nghiêm minh và công khai.
Tình trạng sốt giá đất dự án, đất nền xảy ra từ đầu năm ngoái tại một số tỉnh, thành như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, hay Thanh Hóa, Nghệ An... tới giữa năm thì hạ nhiệt sau sự vào cuộc của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, cuối năm ngoái và đầu năm nay, sốt đất lại quay trở lại ở một số địa phương. Ông đề nghị Quốc hội, trong dự thảo nghị quyết giám sát của Quốc hội cần bổ sung quy định về biện pháp, chế tài xử lý cụ thể với những trường hợp chậm hoặc không công khai thông tin quy hoạch, nhằm bảo đảm những quy định về quy hoạch được thực thi nghiêm túc.
Cùng đề cập đến tình trạng công khai thông tin quy hoạch còn mang tính hời hợt, làm cho có, đại biểu Lê Văn Dũng (đoàn Quảng Nam) nhận định thời gian qua các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn còn hình thức; tính khả thi không cao, thiếu đồng bộ với quy hoạch ngành có liên quan. Ngoài ra tính dự báo chưa cao, việc điều chỉnh quy hoạch không theo nhu cầu khách quan, chạy theo dự án, xa rời thực tiễn... cũng là những yếu tố tác động tiêu cực đến thị trường đất đai.
Đại biểu Lê Văn Dũng đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành quy hoạch tổng thể quốc gia. Hơn nữa, trước khi quy hoạch tổng thể quốc gia được ban hành, để hạn chế mâu thuẫn phát sinh khi các quy hoạch được lập, ông Dũng đề nghị thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban.
Qua thực tế giám sát, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể những tác động tiêu cực của các tồn tại, yếu kém trong quá trình triển khai thực hiện Luật quy hoạch từ khi luật có hiệu lực đến nay. Đề cập tới quy hoạch treo, dự án treo, theo đại biểu tỉnh Bình Thuận, quy định hiện tại không nêu rõ thời hạn bao lâu thì dự án treo, quy hoạch treo sẽ bị huỷ, thu hồi.
"Quy hoạch treo, dự án treo kéo dài nhiều năm gây bức xúc, nhất là người dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng. Việc này vừa gây lãng phí nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực đất đai, và làm giảm niềm tin của người dân với chính quyền"- đại biểu Nguyễn Hữu Thông nhận định.
Do đó, ông Nguyễn Hữu Thông kiến nghị Chính phủ cần có quy định cụ thể thời gian thực hiện quy hoạch. Tức là nếu dự án, quy hoạch sau 3 hoặc 5 năm từ khi được phê duyệt không thực hiện sẽ hết hiệu lực hoặc thu hồi dự án. Chính phủ cần có chế tài xử lý tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy hoạch đã đề ra.
Đề cập một khía cạnh khác trong việc quy hoạch sử dụng đất đai, đại biểu Hà Phước Thắng (đoàn TP HCM) nêu, theo Luật Đất đai, người sử dụng đất nằm trong quy hoạch là đất ở nông thôn hoặc đất ở đô thị thì đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm, được chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất khác sang đất ở. Nhưng thực tế, theo luật quy hoạch đô thị, đất ở lại chia làm nhiều loại, như đất ở hiện hữu, loại chỉnh trang, xây dựng mới, xây dựng dài hạn, ngắn hạn, đất ở hỗn hợp. “Các quy định khác nhau, thiếu đồng bộ giữa các luật khiến việc chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất khác sang đất ở khó khăn”- ông Hà Phước Thắng nhấn mạnh.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP.HCM), Chủ tịch HĐND TP.HCM cũng đề cập sự thiếu liên kết, đồng bộ giữa quy hoạch đô thị, nông thôn với quy hoạch sử dụng đất. Bà cho rằng, quy hoạch đô thị cần được lập căn cứ trên hiện trạng và yêu cầu phát triển của thành phố, còn quy hoạch sử dụng đất khi lập dựa trên cơ sở quy hoạch đô thị để đảm bảo sự đồng bộ.
Bà đề nghị Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách phù hợp về nhà, đất với người dân trong khu quy hoạch chưa được thực hiện. Việc này nhằm hạn chế tối đa, gây ảnh hưởng đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu vực quy hoạch.