Thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế có nguyên nhân từ quy định về đấu thầu

Tình trạng thiếu thuốc men, trang thiết bị y tế nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp lần này. “Ở một số bệnh viện đang có tình trạng hết một số danh mục thuốc đặc trị cho bệnh nhân hay thiếu trang thiết bị y tế. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến quá trình khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân” đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) bày tỏ lo ngại.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, nguyên nhân của thực trạng thiếu thuốc, trang, thiết bị, vật tư y tế một phần là do văn bản dưới luật hướng dẫn các cơ sở y tế trong việc mua sắm thuốc men, trang thiết bị y tế còn chưa rõ ràng nên có tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm trong đội ngũ quản lý bệnh viện.

Thậm chí, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) còn cho rằng những sai phạm trong việc mua sắm thiết bị, vật tư y tế thời gian qua có liên quan đến bất cập trong Luật đấu thầu hiện hành. “Trong Luật đấu thầu, cơ bản chúng ta quy định tất tần tật đều phải đấu thầu, trong đó có vật tư y tế, giá thuốc… Quy định chưa cụ thể, chưa rõ ràng dẫn đến tổ chức đấu thầu, chỉ định thầu có tiêu cực, sai phạm”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.

Đề cập vấn đề này, PGS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, lấy làm tiếc khi thấy nhiều cán bộ, nhân viên ngành y vướng vòng lao lý vì sai phạm trong việc mua sắm thuốc, trang, thiết bị, vật tư y tế. Bởi lẽ, theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, trong các sai phạm này có những cá nhân không vì mục đích trục lợi. “Đấu thầu xảy ra ở nhiều lĩnh vực, trong đó có y tế, giáo dục…để lại những hậu quả. Đó là tình trạng hoặc là sợ sai phạm vì thủ tục không chặt chẽ, dẫn đến không mua sắm được và thiếu các thiết bị, vật tư y tế cho công tác điều trị, hoặc là các sai phạm đã xảy ra mà chúng ta nhìn thấy. Đấy là những vụ án lớn xảy ra trong lĩnh vực y tế, giáo dục, liên quan đến đấu thầu. Chúng ta thấy quy định hiện hành về đấu thầu có vẻ như chặt chẽ nhưng nó vẫn tạo ra kẽ hở. Bản thân cá nhân, đơn vị thực hiện mua sắm, nếu không thực sự chuyên nghiệp, không am hiểu sâu về đấu thầu thì có thể dẫn đến sai phạm một cách vô thức. Tôi nghĩ những vụ án xảy ra trong ngành y, giáo dục vừa qua, không ít vụ khi những người thực hiện làm sai nhưng không biết mình vi phạm”, PGS.TS Hoàng Văn Cường phân tích.

Luật Đấu thầu sửa đổi phải loại bỏ những quy định mang tính “cài cắm”

Đấu thầu là một trong những biện pháp cần thiết để lựa chọn các nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, đồng thời mua sắm được hàng hóa, vật tư tốt nhất với giá cả tiết kiệm nhất. Các nước trên thế giới đều thực hiện việc mua sắm đầu tư công thông qua biện pháp đấu thầu để tạo tính cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và khoa học, kỹ thuật. Đây là góc nhìn của PGS.TS Hoàng Văn Cường. Tuy nhiên, theo ông, thời gian vừa qua, việc mua sắm, đầu tư công thông qua đấu thầu ở nước ta bộc lộ nhiều vướng mắc, nên thực tế kết quả không đạt như kỳ vọng. “Thời gian qua, tỷ lệ tiết kiệm thông qua đấu thầu không cao. Số nhà đầu tư tham gia vào các cuộc đấu thầu để tăng tính cạnh tranh không lớn. Thường chúng ta thấy một gói thầu đưa ra chào mời có khi chỉ 1 hoặc 1,5 đến 2 nhà thầu tham gia”, PGS.TS Hoàng Văn Cường nêu thực tế.

Để tránh những sai phạm đáng tiếc như từng xảy ra trong ngành y, đồng thời nâng cao hiệu quả của việc đấu thầu, mua sắm trang, thiết bị, vật tư cho khu vực công, PGS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng khi sửa đổi Luật Đấu thầu lần này cần loại bỏ những quy định mang tính hành chính và những yếu tố dễ làm nảy sinh tiêu cực. “Tôi đề nghị khi sửa Luật Đấu thầu, chúng ta phải cắt bỏ những khâu nào mang tính hình thức, không cần thiết. Đặc biệt, một yếu tố rất quan trọng là chúng ta phải làm thế nào để tránh tình trạng các hồ sơ mời thầu, thủ tục đấu thầu đã gạt bỏ những nhà thầu thực sự muốn tham gia. Ví dụ, chúng ta hay nói tình trạng cài cắm các tiêu chí, tiêu chuẩn để hướng đến một nhà thầu nào đó và loại bỏ nhà thầu khác. Loại bỏ được điều đó thì chúng ta mới thực hiện được tính cạnh tranh, công khai minh bạch, công bằng giữa các nhà thầu”, PGS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Đề cập giải pháp cho vấn đề mua sắm, đầu tư công, nhất là trong việc mua thuốc, trang, thiết bị, vật tư y tế, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng nên chỉnh, sửa Luật Đấu thấu theo hướng danh mục do cơ quan cần mua sắm đưa ra, cơ quan có liên quan thẩm định chất lượng. Còn giá cả thì để một cơ quan chuyên về đấu thầu, đấu giá lo liệu. “Vấn đề đặt ra là mỗi cơ quan chuyên môn thì đưa ra những thiết bị chuyên môn hay tên biệt dược cần mua để phục vụ điều trị, còn giá thì giao cho một cơ quan để thẩm định và đấu thầu. Như vậy là khách quan”, đại biểu Nguyễn Tạo đề xuất.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Tạo, nên thành lập một trung tâm đấu giá tài sản công ở địa phương hoặc ở trung ương. Trung tâm này thực hiện chức năng đấu thầu. “Trung tâm đấu giá thực hiện việc đấu giá mua sắm chứ không phải những người thầy, như thầy thuốc, thầy giáo đi làm việc đó. Hãy để người ta làm chuyên môn, người ta đưa ra và đánh giá rằng thiết bị này có tốt hay không và Bộ y tế cũng là cơ quan thẩm định là thiết bị đó có tốt, thuốc này có tốt và đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh hay không. Sau đó, đưa các loại thiết bị, vật tư đó vào danh mục. Cơ quan chuyên môn là cơ quan thẩm định giá và cơ quan thông báo để đấu giá, như thế sẽ đồng bộ. Thầy thuốc, thầy giáo cũng không sợ dính vào vòng lao lý như thời gian vừa qua. Nó chặt chẽ và hợp tình hợp lý”, đại biểu Nguyễn Tạo kiến nghị.

Đóng góp ý kiến vào việc đưa ra các giải pháp khắc phục bất cập nêu trên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cũng kiến nghị sửa Luật đấu thầu theo hướng “cởi bỏ” những ràng buộc quá chặt chẽ khiến việc mua sắm trang, thiết bị, vật tư y tế gặp khó. “Sửa Luật đấu thầu lần này, với những loại hình đặc thù thì có thể cho phép chỉ định thầu. Tôi lấy ví dụ, trong tình huống khẩn cấp, như dịch bệnh xảy ra nếu chờ để thực hiện theo các quy định đấu thầu thì sẽ mất thời gian, mà không có thuốc men, vật phẩm thì làm sao điều trị được. Cho nên, theo tôi trong phạm vi điều chỉnh của Luật cần có quy định về tình huống khẩn cấp”, đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị.

Cũng theo đại biểu Phạm Văn Hòa, thực tế công tác đầu thầu thời gian qua bộc lộ nhiều điểm yếu, thậm chí kém hiệu quả so với việc chỉ định thầu. Trên cơ sở đó, ông đề nghị Quốc hội nghiên cứu, đưa vào Luật Đấu thầu sửa đổi một số quy định về chỉ định thầu. Đồng thời, sau khi sửa và trong thời gian chờ luật có hiệu lực, cần ban hành một Nghị quyết hoặc Nghị định để sớm xử lý trình trạng thiếu thuốc, trang, thiết bị, vật tư y tế. “Tôi nghĩ, hiện nay với vật tư, thiết bị y tế, trong khi chờ sửa Luật Đấu thầu thì Quốc hội hoặc Chính phủ ban hành Nghị quyết hoặc Nghị định để hướng dẫn tổ chức thực hiện”, đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất.