Theo Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 thì có 2 loại phiếu lý lịch tư pháp, phân biệt với nhau rõ ràng dựa theo nội dung thể hiện trên phiếu đó, cụ thể:

Phiếu lý lịch tư pháp số 1: Là phiếu ghi các án tích chưa được xóa và không ghi các án tích đã được xóa; các thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã chỉ ghi vào Phiếu lý lịch tư pháp số 1 khi cá nhân, cơ quan tổ chức nhà nước yêu cầu. Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức bao gồm: Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, yêu cầu cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động quản lý doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, hợp tác xã; Công dân Việt Nam, người nước ngoài đang lưu trú tại Việt Nam yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình.

Phiếu lý lịch tư pháp số 2: Phiếu ghi đầy đủ các án tích, bao gồm cả các án tích chưa được xóa và đã được xóa, thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp và hợp tác xã. Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

Theo Ths. Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty Luật Hồng Bách và cộng sự thì thủ tục xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp khá đơn giản. Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp nộp Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và kèm theo Bản chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp tới Sở Tư pháp nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú. Người yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp số 1 có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác thay mình thực hiện yêu cầu xin cấp Phiếu Lý lịch tư pháp.

Hiện nay, người dân có thể thực hiện yêu cầu xin cấp Phiếu Lý lịch tư pháp qua Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ www.dichvucong.gov.vn.

Mời quý vị nghe Ths. Luật sư Nguyễn Hồng Bách hướng dẫn cụ thể các quy định về lý lịch tư pháp tại đây: