Gần 200 đại biểu là đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương, đại diện các loại hình thư viện, các chuyên gia, nhà khoa học đã tham dự hội thảo “Bản quyền trong chuyển đổi số ngành thư viện” nhằm đánh giá thực trạng về chuyển đổi số và vấn đề thực thi bản quyền trong thư viện hiện nay. Từ đó, đề xuất phương hướng, giải pháp khắc phục các rào cản trong việc thực thi các quy định của pháp luật về quyền tác giả trong chuyển đổi số với từng loại hình thư viện, đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ngày 11/02/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 206/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030", xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chuyển đổi số ngành thư viện trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Để thực hiện các mục tiêu này, ngành thư viện sẽ phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Hoàn thiện và phát triển hạ tầng số của ngành thư viện, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, học tập kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật thư viện đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, đặc biệt với các vấn đề liên quan đến bản quyền và sở hữu trí tuệ (nhất là khi ngày 16/6/2022, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: "Việc thông qua và triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đặt ra những thách thức không nhỏ cho quá trình chuyển đổi số ngành thư viện. Nhưng đồng thời Luật mới ra đời cũng là động lực và tạo ra những thời cơ, thuận lợi mới cho ngành thư viện, giúp nâng cao vị thế, giá trị xã hội của ngành khi chúng ta có lợi thế về việc lưu giữ, bảo quản và phục vụ một khối lượng tri thức thành văn lớn, trong đó có những tài liệu mà ngành thư viện chính là một trong những người giữ bản quyền khai thác, phục vụ người dân và xã hội".

Trong phát biểu đề dẫn hội thảo, Vụ trưởng Vụ Thư viện Kiều Thuý Nga khẳng định, thư viện số là yêu cầu bắt buộc và xu thế tất yếu trong kỷ nguyên số với yếu tố cốt lõi là nguồn tài nguyên thông tin dạng số. Các thư viện nhất thiết phải xây dựng được nguồn lực thông tin phong phú, đặc biệt là xây dựng các bộ sưu tập số với một hệ thống các cơ sở dữ liệu cùng với các siêu dữ liệu có khả năng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

Cũng theo bà Nga, với việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách mạnh mẽ và tiến hành số hóa tài nguyên thông tin, phổ biến thông tin trên môi trường số thì vấn đề bản quyền luôn là vấn đề mấu chốt để thư viện có thể bứt phá và khẳng định vai trò trong xã hội. "Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, số lượng tài nguyên thông tin điện tử/số trong các thư viện ở Việt Nam nhìn chung còn nghèo nàn, vẫn còn số lượng rất lớn các thư viện chưa thể thực hiện được và chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Có rất nhiều thách thức đặt ra trong quá trình này như thiếu ngân sách đầu tư, thiếu nền tảng nhân lực cần thiết hay giải pháp công nghệ phù hợp, trong đó bao gồm cả thách thức từ việc thực thi bản quyền một cách đúng, phù hợp trong hoạt động thư viện”.

Hội thảo đã tập trung vào những vấn đề cơ bản như: Phát huy giá trị và lợi thế của những điểm mới trong pháp luật về quyền tác giả đối với hoạt động chuyển đổi số ngành thư viện nói chung, phát triển tài nguyên số nói riêng; Các kinh nghiệm, mô hình và cách làm hay, hiệu quả trong nước và quốc tế đối với vấn đề này; Giải pháp khắc phục các rào cản trong việc thực thi các quy định của pháp luật; Kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc bảo vệ quyền tác giả đối với tài nguyên thông tin dạng số và liên thông thư viện; Nhận diện các hành vi vi phạm quyền tác giả trong hoạt động thư viện, giải pháp khắc phục; Vấn đề bản quyền trong hoạt động thư viện phục vụ người khuyết tật…

Theo ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, để thực hiện chuyển đổi số thành công phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đó là phải xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị cho các thư viện và xây dựng nguồn nhân lực cán bộ thư viện. Ngoài ra, còn một việc quan trọng cũng cần phải bàn đến đó là bản quyền tác giả trong chuyển đổi số. "Hiện tại, vấn đề bản quyền trong chuyển đổi số ngành thư viện cũng đang có nhiều thách thức, tuy nhiên chúng ta cần biết vận dụng linh hoạt những quy định về bản quyền. Ví dụ, tranh thủ khai thác, số hóa những xuất bản phẩm đã ra đời trên 50 năm hay những tài liệu được truy cập mở trên thế giới. Và điều quan trọng nữa là chúng tôi đề nghị Bộ VHTTDL có những văn bản hướng dẫn cụ thể cho các thư viện trong cả nước để làm sao khi tiến hành thực thi bản quyền thì lưu ý những vấn đề mới, cập nhật”.

Hội thảo cũng đưa ra các giải pháp khắc phục rào cản trong thực thi pháp luật về quyền tác giả trong chuyển đổi số thư viện. Để thực hiện hiệu quả, theo nhiều đại biểu, cần thêm những tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả trong lĩnh vực in ấn, sao chép để hỗ trợ các thư viện trong việc xin phép, đàm phán, thỏa thuận các khoản chi phí bản quyền đối với các bản sao tác phẩm dạng số khi thư viện thực hiện số hóa và cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin thư viện trên nền tảng số phục vụ người sử dụng.

Hội thảo đã một lần nữa góp thêm tiếng nói tâm huyết của những nhà khoa học cũng như của những người làm công tác thư viện, góp phần giải những bài toán, những thách thức đặt ra trong quá trình chuyển đổi số với mục tiêu cao nhất là phát triển văn hóa đọc, mở rộng cơ hội tiếp cận tri thức, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân.