Mới đây, nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền đã đăng tải một dòng trạng thái đầy bức xúc trên trang cá nhân. Theo đó, ca khúc “Nếu một mai tôi bay lên trời” với sự thể hiện của ca sĩ Trúc Nhân đã bị đánh bản quyền dù nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền khẳng định rằng anh là chủ sở hữu của cả phần bản ghi lẫn bản quyền. Đây không phải là lần đầu tiên một ca khúc bị xâm phạm bản quyền trên không gian mạng.
Phóng viên: Xin cảm ơn luật sư Nguyễn Thị Thu Hà đã tham gia chương trình Cầm tay chỉ luật. Thưa luật sư, luật sư có thể cho thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam được biết thế nào là quyền tác giả? Thế nào là quyền liên quan?
Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà: Đây là vấn đề khá phức tạp, tôi xin phép được giải thích đơn giản, ngắn gọn thế này. Quyền tác giả là quyền đối với tác phẩm. Quyền này dành cho tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu của tác phẩm. Còn quyền liên quan là quyền đối với cuộc biểu diễn, đối với bản ghi âm, ghi hình, đối với chương trình phát sóng. Quyền này sẽ dành cho người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình cũng như các tổ chức thực hiện cuộc phát sóng đó. Cả quyền tác giả và quyền liên quan đều bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Tuy nhiên tùy từng loại quyền mà phạm vi của các quyền nhân thân và quyền tài sản này là khác nhau. Ví dụ: các anh chị có 1 đĩa CD thì trong đó đã bao hàm rất nhiều những thứ thuộc về phạm vi của quyền tác giả (quyền tác giả của nhạc sĩ với bản nhạc; quyền của ca sĩ đối với phần trình bày bài hát của cô ấy/ anh ấy; quyền của tổ chức ghi âm với bản ghi âm đã được ghi trong đĩa CD, và nếu bản ghi âm này được phát sóng trong 1 chương trình nào đó thì còn phát sinh quyền của tổ chức phát sóng đối với chương trình phát sóng đó.)
Phóng viên: Không biết là thời hạn bảo hộ cho quyền tác giả và quyền liên quan là bao lâu ạ?
Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà: Việc tính thời hạn cho quyền tác giả và quyền liên quan cũng khác nhau trong mỗi trường hợp. Tuy nhiên về nguyên tắc, nó sẽ được tính như thế này: Quyền nhân thân được bảo hộ vô thời hạn. Quyền tài sản thuộc quyền tác giả sẽ được bảo hộ trong suốt cuộc đời của tác giả và cộng thêm 50 năm sau khi tác giả qua đời. Còn quyền tài sản thuộc quyền liên quan sẽ được bảo hộ trong vòng 50 năm tính từ năm tiếp theo sau năm mà cuộc biểu diễn hay bản ghi âm, ghi hình hay chương trình phát sóng đó được công bố hoặc định hình.
Phóng viên: Tức là thời hạn khá là dài, thưa bà?
Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà: Thời hạn khá dài nhưng đang có 1 số quan điểm muốn kéo dài thời hạn đó hơn nữa cho 1 số đối tượng nhất định.
Phóng viên: Tại sao lại có xu hướng đấy thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà: Đây sẽ là 1 trong những xu hướng ở các nước phát triển, khi mà họ muốn là cái quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng sẽ được bảo hộ ở mức độ cao hơn. Thế nên với 1 số đối tượng nhất định, có những ý kiến đưa ra muốn thời gian bảo hộ của họ dài hơn.
Phóng viên: Luật sư có nhận xét gì về vấn đề bảo hộ quyền tác giả hiện nay ở nước ta?
Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà: Về vấn đề bảo hộ quyền tác giả, chúng ta sẽ cùng xem xét nó ở cả 2 góc độ là góc độ pháp lý và góc độ thực tiễn. Nếu xem xét ở góc độ pháp lý thì theo quan điểm của cá nhân tôi, hiện nay chúng ta đã có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, đáp ứng được các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại, các hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Chúng ta có luật sở hữu trí tuệ và đã trải qua lần sửa đổi thứ 3, chúng ta có 1 hệ thống nghị định, thông tư để thực hiện luật đó nên nói về mặt pháp luật, tôi cho rằng chúng ta đã có 1 công cụ khá hoàn thiện để bảo hộ tốt các vấn đề liên quan đến quyền tác giả và quyền sở hữu trí tuệ nói chung. Tuy nhiên vấn đề ở đây lại nằm ở vấn đề thực tiễn, tức là chúng ta đã có hệ thống pháp luật như vậy rồi, có công cụ như vậy rồi nhưng chúng ta thi hành nó ra sao, sử dụng công cụ đó như thế nào. Chắc hẳn quý vị đã nghe đài, báo nói về vấn đề này, tức là tôi nhận thấy về mặt thực thi quyền thì các cơ quan Nhà nước hiện nay chưa thực sự mạnh mẽ trong vấn đề này. Chúng ta cũng chưa có hệ thống tòa án chuyên ngành trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong khi số lượng các vụ việc, vụ án về sở hữu trí tuệ càng ngày càng tăng lên, đặc biệt là những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số hết sức phức tạp. Những vụ việc về quyền sở hữu trí tuệ ở VN, thời hạn giải quyết nó có thể là vài ba năm, thậm chí cá biệt có vụ đến cả chục năm. Khoảng thời gian như vậy khó có thể được coi là chấp nhận được với các bên có tham gia, liên đới đến vụ việc đó.
Phóng viên: Luật sư vừa nói việc xâm phạm quyền tác giả cũng như quyền sở hữu trí tuệ nói chung ở trên không gian mạng khá nghiêm trọng. Và tôi cũng thấy điều này đối với các tác phẩm âm nhạc cũng như các tác phẩm văn học. Thế nhưng dường như vẫn chỉ có rất ít những vụ án xâm phạm quyền tác giả được đưa ra xét xử?
# Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi xâm phạm quyền tác giả mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức xử phạt hành chính căn cứ vào các điều từ Điều 8 đến Điều 18 của Nghị định 131/2013/NĐ-CP, được sửa bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP với mức phạt thấp nhất là 2 triệu đồng với các hành vi quy định tại Điều 9 và mức phạt cao nhất lên tới 250 triệu đồng với các hành vi quy định tại Điều 16.
# Nếu không được phép của của chủ thể quyền tác giả mà cố ý thực hiện hành vi sao chép hoặc phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình thì cá nhân, pháp nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm quyền tác giả được quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017. Theo đó, khung hình phạt cao nhất đối với cá nhân là phạt tiền từ 300 triệu đến 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Đối với tổ chức thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả được quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 thì khung hình phạt cao nhất là phạt tiền từ 01 - 03 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm. Và hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 100 - 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà: Vấn đề xâm phạm quyền tác giả nói riêng, quyền sở hữu trí tuệ nói chung ở trên không gian mạng càng ngày càng nghiêm trọng. Ví dụ các hành vi streaming chương trình biểu diễn của ca sĩ, ban nhạc nổi tiếng ở trên mạng internet hay những chương trình bóng đá mà chúng ta phải bỏ ra rất nhiều tiền để mua bản quyền thì ngay lập tức đã được livestream và bất kỳ ai muốn xem đều có thể có được địa chỉ xem những chương trình như vậy 1 cách miễn phí thì điều đó gây ra thiệt hại rất lớn cho những nhà cung cấp dịch vụ. Nếu nói về mặt pháp luật, chúng ta đã có những quy định pháp luật khá chặt chẽ về vấn đề này, và đó là những hành vi xâm phạm 1 cách rõ ràng chứ không phải hành vi chúng ta phải đặt câu hỏi có xâm phạm hay không? Thế nhưng vấn đề ở đây là khi xâm phạm trên không gian mạng như thế, cái khó là chúng ta làm thế nào để xác định được đối tượng xâm phạm đó là ai, chủ thể nào đang thực hiện hành vi đó, họ đang ngồi ở đâu, v.v… Đây là điểm mà tôi thấy là hệ thống pháp luật còn sơ hở.
Phóng viên: So sánh giữa việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam và quốc tế, luật sư thấy thế nào?
Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà: Mỗi quốc gia có hệ thống pháp luật khác nhau, lịch sử pháp lý và nhận thức về pháp luật khác nhau nên việc so sánh rất khó. Tuy nhiên tôi thấy pháp luật của chúng ta không hề thua kém, chúng ta đã có hệ thống khá là đầy đủ, mạnh mẽ. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta sử dụng hệ thống đó, công cụ đó như thế nào cho việc bảo hộ của mình. Và nếu nhìn ở góc độ này, tôi thấy ở các nước, chỉ cần nói các nước trong khu vực thôi thì họ đang có một hệ thống thực thi quyền, một hệ thống thi hành pháp luật mà tôi thấy mạnh mẽ hơn của chúng ta rất nhiều. Và đó chính là điều chúng ta cần nỗ lực để có được cơ chế bảo hộ quyền tác giả nói riêng cũng như quyền sở hữu trí tuệ nói chung tốt hơn.
Phóng viên: Xin cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi vừa rồi.
Mời quý vị nghe toàn bộ cuộc trao đổi của phóng viên chương trình Cầm tay chỉ luật với luật sư Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Tầm nhìn và Liên danh, thành viên Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ: