Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi mà Bộ Tài chính đang đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành để sửa đổi và dự kiến trình Quốc hội vào năm 2026 đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân. Trong đó các vấn đề về mức giảm trừ gia cảnh, giảm bậc thuế, giãn khoảng cách giữa các bậc thuế...lại một nữa nóng lên khi có nhiều bộ và địa phương đồng loạt đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh lên gấp rưỡi đồng thời giảm và giãn khoảng cách giữa các bậc thuế để đảm bảo sự công bằng, công khai, minh bạch hơn nữa.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh Luật Thuế thu nhập cá nhân đã được sửa đổi 3 lần theo Luật Thuế số 04 năm 2017 của Quốc hội, Luật Thuế 26 năm 2012 và Luật Thuế 71 năm 2014 của Quốc hội khóa 13. Tuy nhiên, về cơ bản thì việc sửa đổi Luật thuế này vẫn theo tư duy cũ, tính thuế dựa trên việc thay đổi ngưỡng thu nhập, theo sự bào mòn của lạm phát chứ chưa tính đến một cách toàn diện các thay đổi về mặt đời sống cũng như thu nhập tăng thêm của người dân.

Mặc dù thuế thu nhập nhân đã nâng được ngưỡng khởi điểm của đối tượng chịu thuế từ 4 triệu lên 11 triệu đồng hiện nay là một bước tiến tương đối xa nhưng trên thực tế lại không thay đổi với những yếu tố khác có liên quan như thu nhập, tăng trưởng GDP, đời sống của người dân và các yếu tố có liên quan đến các khoản chi cho người lao động khi họ tính thuế.

“Ngưỡng chịu thuế là 11 triệu, mức giảm trừ gia cảnh của người phụ thuộc đang khoảng 4,4 triệu đồng/người, mức này được áp dụng từ năm 2020, khi GDP bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 3.500 USD. Đến nay, con số này đã đạt 4.700 USD”. Ngoài ra theo TS Thịnh, còn có nhiều yếu tố khác để thấy mức này chưa phù hợp, đó là lạm phát gia tăng, giá cả hàng hóa leo thang, chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ. Chính vì vậy việc giữ nguyên mức giảm trừ gia cảnh khiến không ít người rơi vào diện chịu thuế dù thực tế thu nhập không còn dư dả sau khi trừ đi các khoản chi tiêu thiết yếu. Đó là chưa kể từ tháng 7 năm ngoái, lương cơ sở đã được điều chỉnh tăng thêm 30% với mong muốn thu nhập đời sống tăng lên. Khi mức lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng đồng nghĩa thu nhập của nhiều người tăng lên và mức chi tiêu cũng phải tăng theo. Thế nhưng bây giờ phần thu nhập tăng lên đó sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân, như vậy vô hình chung việc tăng lương sẽ giảm ý nghĩa.

Trước những yếu tố lỗi thời đã được chỉ ra, thì việc sớm sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân là cần thiết. Theo TS Đinh Trọng Thịnh việc thay đổi Luật thuế lần này thì đầu tiên cần phải thay đổi cách tính ngưỡng thuế cho phù hợp với thực tiễn. Thứ hai việc tính ngưỡng thuế này cũng phải thay đổi không nên cào bằng, cố định ngưỡng chịu thuế ở tất cả các vùng, miền.

“Chi tiêu của từng người theo vùng miền luôn khác nhau, những người sống ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh là những khu vực có mức chi tiêu rất đắt đỏ, chắc chắn sẽ cao hơn với những người cũng nhận mức lương đó sống ở khu vực miền núi. Bởi vậy chúng ta cần thiết phải phân chia theo khu vực”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Ngoài ra, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, những chi phí hợp lý hợp lệ như khám chữa bệnh, những khoản tiền đi học, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, đóng góp phong trào từ thiện, phong trào xã hội, thì nó không còn nằm trong thu nhập của người đóng góp, nên trừ ra.

Đặc biệt, ông Thịnh nhấn mạnh, việc chỉ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động trên 20% là quá cứng nhắc. “Chúng ta không nên điều hành thuế theo lạm phát vì theo mỗi năm, đời sống của người dân ngày một nâng lên, mức sống trung bình của người dân cũng nâng lên, thì chúng ta phải lấy mức sống bình thường và trên mức sống bình thường mới đánh thuế thu nhập. Người làm chính sách thuế cần phải thay đổi tư duy, xây dựng chính sách thuế hợp lý để khuyến khích người lao động sáng tạo”. TS Thịnh nêu quan điểm.

Một vấn đề khác cũng được nhiều người đề cập. Đó là Thuế thu nhập cá nhân đang áp dụng gồm 7 bậc lũy tiến từ 5% đến 35%. Ông Thịnh cho rằng, bậc thuế quá nhiều và khoảng cách giữa các bậc gần nhau khiến việc tính toán vừa phức tạp, vừa mệt mỏi, trong khi đó lại không phản ánh được sự khác biệt giữa các bậc.

“Nguyên tắc cốt lõi của thuế Thu nhập cá nhân là thu của người có thu nhập cao nhưng vẫn khuyến khích họ làm giàu và bảo đảm tính công bằng giữa các đối tượng chịu thuế. Vậy với 7 bậc thuế suất như hiện nay thì liệu chúng ta có đảm bảo được nguyên tắc này”. Từ nhận định này, ông Thịnh đề xuất nên chia thành 5 bậc thuế, trước hết ngưỡng chịu thuế 20.000.000 là 5%, từ 20.000.000 đến 50.000.000 thì chịu thuế 10%, từ 50 đến 90.000.000 thì thuế 15%, từ 90 đến 150.000.000 là 20% và thuế suất từ 150.000.000 trở lên đến 250.000.000 là mức 25%. Với số bậc và khoảng cách như vậy không chỉ phù hợp thực tế mà còn giúp phân biệt được mức thu nhập của người dân một cách tốt nhất, rõ ràng, công khai và minh bạch.

Nhà nước luôn mong muốn có nguồn thu một cách chính đáng từ thuế, còn với những người có thu nhập cao, họ không phải trốn tránh nộp thuế mà cảm thấy vinh dự, tự hào khi được đóng góp cho Nhà nước. Bởi vậy tư duy của người làm thuế cần thay đổi, để Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi đáp ứng yêu cầu xã hội.

Theo dự kiến, thời điểm trình Quốc hội Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi là vào tháng 10/2025 và thông qua vào tháng 5/2026. “Các cơ quan làm luật cần có sự kiên quyết, nhanh chóng ngay trong năm 2025 này phải đưa ra được Luật thuế mới để thay đổi những quy định lạc hậu, trì trệ gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc đóng thuế và sự bức xúc người dân, để từ đó có một sự đồng lòng trong xã hội”, PGS.TS Định Trọng Thịnh chia sẻ.

Thời gian qua một số bộ ngành, địa phương khi góp ý dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, cũng đã chỉ ra một số bất cập và đề nghị điều chính.

-Tỉnh Hà Tĩnh đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương lên 18 triệu đồng/tháng; với người phụ thuộc là 8 triệu đồng/tháng.

- Hay Bộ Quốc phòng đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế lên 17,3 triệu đồng/tháng; nâng mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc lên 6,9 triệu đồng/tháng. Lý do là mức lương cơ sở tại thời điểm ban hành là 1,49 triệu đồng/tháng, đến tháng 12/2024 là 2,34 triệu đồng/tháng, tăng 57,05%.

- UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên 16 triệu đồng/tháng; người phụ thuộc lên 6 triệu đồng/tháng. Tương tự, UBND tỉnh Sơn La đề nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc lần lượt lên mức 14 triệu đồng/tháng và 5 triệu đồng/tháng.

ướcS

Tr

Sau