Theo báo cáo của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mức thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 cao nhất là 1,9 tỷ đồng thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin ở Thành phố Hồ Chí Minh, tăng 13% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Còn thưởng Tết Dương lịch năm 2025 bình quân là 1,46 triệu đồng/người, bằng 79% so với mức thưởng dịp Tết dương lịch năm 2024 (1,85 triệu đồng/người).

Dù có những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vẫn đang gặp khó khăn khiến thưởng Tết cho người lao động chưa được như mong muốn nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều có khoản thưởng Tết cho người lao động nên theo đánh giá, mức thưởng Tết năm 2025 có nhiều tích cực.

Theo Điều 104 Bộ luật Lao động, quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động, Luật và các văn bản dưới luật không có quy định về quy chế này mà chỉ khuyến khích doanh nghiệp thực hiện. Tuy rằng không có quy định về thưởng Tết nhưng đây là động lực để người lao động phấn đấu cống hiến và cũng là ghi nhận công sức của người lao động đóng góp cho doanh nghiệp. Cũng từ khoản thưởng này, nhiều doanh nghiệp đã thu hút được người lao động giỏi về làm việc, nâng cao chất lượng lao động, vị thế của doanh nghiệp.

Đi làm vào dịp Tết, người lao động được trả lương xứng đáng

Theo thông báo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tết Nguyên đán Ất Tỵ, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được nghỉ từ ngày 25/01 - 02/02/2025 (26 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Đợt nghỉ này bao gồm 05 ngày nghỉ tết Âm lịch và 04 ngày nghỉ hằng tuần. Đối với các đơn vị không thực hiện lịch nghỉ cố định hai ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần thì căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp, theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động được nghỉ làm hưởng nguyên lương trong những ngày nghỉ Tết. Tuy nhiên, do đặc thù công việc hoặc thực hiện theo sự phân công, sắp xếp của người sử dụng lao động mà người lao động vẫn đi làm vào những ngày này thì sẽ được tính là làm thêm giờ và hưởng lương làm thêm giờ.

Điều 55 Nghị định 145/2020 quy định, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% (chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương) đối với người lao động hưởng lương ngày.

Đối với người lao động hưởng lương theo thời gian: Tiền lương làm thêm giờ ngày lễ tết = Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 300% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm x Số giờ làm thêm

Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm: Tiền lương làm thêm giờ ngày lễ tết = Đơn giá tiền lương SP của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 300% so với đơn giá tiền lương sản phẩm x Số sản phẩm làm thêm.

Ngoài ra, người lao động làm thêm giờ vào ban đêm sẽ được hưởng thêm lương làm việc vào ban đêm và lương làm thêm giờ của công việc bình thường. Đồng thời, được hưởng thêm 20% tiền lương của công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc đó.

Lương của người lao động phải trả đúng, nếu nợ phải tính lãi

Cũng theo thống kê của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, mức lương bình quân của người lao động năm 2024 đạt 8,88 triệu đồng/người/tháng, tăng 4% so với năm 2023 (8,5 triệu đồng/tháng). Trong đó, công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 10,91 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp dân doanh là 8,1 triệu đồng/tháng, oanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 9,28 triệu đồng/tháng.

Vẫn còn có doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn kinh phí chi trả lương dẫn đến nợ lương người lao động. Khoản 1 Điều 94 của Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trong trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn, nếu công ty trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì theo khoản 4 Điều 97 của Bộ luật Lao động công ty phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi công ty mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Mời quý vị nghe trao đổi của phóng viên chương trình với bà Nguyễn Huyền Lê – Trưởng phòng Tiền Lương - Cục Quan hệ lao động và Tiền lương - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tại đây: